Keylogger trên điện thoại thông minh có thể là mối đe dọa lớn đối với thông tin cá nhân. Nếu bạn thường xuyên sử dụng điện thoại để truy cập các tài khoản quan trọng như ngân hàng, gửi tin nhắn nhạy cảm hoặc thậm chí là để mở khóa cửa nhà riêng, thì keylogger có thể bí mật đánh cắp toàn bộ những thông tin đó mà bạn không hề hay biết.
Vì vậy, việc tự trang bị các kiến thức để có thể phát hiện và ngăn chặn những mối đe dọa của keylogger là điều cần thiết.
Định nghĩa keylogger
Keylogger là một loại phần mềm hoặc thiết bị phần cứng được thiết kế để âm thầm ghi lại mọi thao tác trên bàn phím của máy tính hoặc thiết bị di động. Mục tiêu chính của keylogger là thu thập thông tin nhạy cảm như mật khẩu, tài khoản ngân hàng, thông tin thẻ tín dụng và các dữ liệu cá nhân khác.
Tội phạm mạng thường sử dụng keylogger để thực hiện các cuộc tấn công đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản. Nó có thể được triển khai thông qua các email độc hại, trang web lừa đảo hoặc các phương tiện khác để dụ dỗ người sử dụng và cài đặt trên thiết bị của nạn nhân.
Cách nhận biết keylogger ẩn mình trên smartphone
Việc phát hiện ra keylogger sẽ khó khăn hơn so với các phần mềm độc hại khác. Nhưng loại phần mềm này có một số đặc điểm nhận biết cần chú ý.
- Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của keylogger là gây ra độ trễ khi gõ bàn phím. Vì thông tin đầu vào được thao tác trên bàn phím sẽ cần thời gian để được keylogger xử lý và ghi lại.
- Tiếp theo, hiệu suất thiết bị sẽ suy giảm đáng kể. Thời gian phản hồi chậm, ứng dụng bị treo và đồ họa tải không mượt mà cũng là những dấu hiệu cần chú ý. Vì những tình trạng này là do điện thoại đang phải xử lý nhiều tiến trình hơn bình thường.
- Thiết bị quá nóng cũng là một triệu chứng khác của keylogger trên điện thoại, vì chúng thường hoạt động tích cực ở chế độ nền. Sẽ là điều đáng lo ngại khi không có ứng dụng nào được mở nhưng điện thoại của bạn lại nóng lên bất thường. Bên cạnh đó, thời lượng pin cũng cạn kiệt nhanh hơn hoặc dữ liệu di động tiêu tốn một cách bất thường.
Khi nhận thấy một trong những dấu hiệu trên, hãy khởi động lại điện thoại, nếu vẫn không khắc phục được tình trạng thì thiết bị có thể đã nhiễm keylogger. Lúc này, hãy sử dụng công cụ Google Play Protect để quét toàn bộ điện thoại nếu bạn sử dụng Android.
Các thiết bị của Apple không có tính năng bảo mật tích hợp sẵn (chủ yếu là do iOS khó gặp phải phần mềm độc hại giống như Android), nhưng bạn có thể tải xuống ứng dụng bảo mật của bên thứ ba đáng tin cậy như Avast hoặc Norton 360 để quét hệ thống.
Tuy nhiên, cần lưu ý là các thiết bị iOS sẽ không miễn nhiễm hoàn toàn với phần mềm độc hại, như ransomware và keylogger, vì nhiều thiết bị vẫn có thể bị tấn công do jailbreak hoặc bị tin tặc nhắm chủ đích với các dạng phần mềm độc hại cấp cao như Pegasus.
Cách gỡ bỏ keylogger khỏi điện thoại
Sau khi xác định được keylogger đang tồn tại trên điện thoại, có một số tùy chọn để bạn có thể loại bỏ nó. Cách dễ nhất là sử dụng ứng dụng bảo mật để quét phần mềm độc hại. Khi quá trình quét phát hiện keylogger, ứng dụng sẽ yêu cầu xóa phần mềm. Hãy thực hiện bước này và khởi động lại điện thoại.
Một cách khác là tìm kiếm và xóa các ứng dụng đáng ngờ bằng cách thủ công. Mọi ứng dụng không được tải từ cửa hàng ứng dụng chính thức đều nên được kiểm tra. Điều tương tự cũng được áp dụng cho các ứng dụng gây ra tình trạng suy giảm hiệu suất sau khi cài đặt.
Nếu cả hai phương pháp trên không hiệu quả, hãy thử khôi phục cài đặt gốc. Đối với Android hay iPhone, có nhiều cách để thực hiện khôi phục cài đặt gốc, nhưng bạn sẽ cần sao lưu dữ liệu quan trọng trước khi thực hiện. Việc khôi phục thiết bị sẽ xóa mọi dữ liệu không mong muốn, trong đó có cả keylogger.