Một lòng tôn kính Bác Hồ
Theo lời các già làng, khi đất nước bắt đầu cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cán bộ từ dưới xuôi đã rất vất vả để mang ảnh chân dung Bác Hồ lên với người Cơ Tu. Đồng bào vốn tin vào Đảng, tin vào Bác Hồ, nhưng hình dung về Bác lại rất mơ hồ.
Già Bríu Pố, ở thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang chia sẻ: Khi ở tuổi còn chưa mặc khố đã nghe các già làng kể về Bác Hồ với những hình ảnh thật đẹp. Người Cơ Tu kính trọng Bác và thêm tin yêu Bác khi trải qua 2 cuộc chiến tranh, đất nước được thống nhất. Bà con Cơ Tu có được cuộc sống bình yên, hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi…
Hiện nay, tại các bản làng đồng bào DTTS Quảng Nam, không phân biệt giàu hay nghèo, nhà lớn hay nhà nhỏ, cứ hễ là người Cơ Tu thì khi dựng nhà, dựng gươl, việc đầu tiên tính đến là đặt bàn thờ Bác Hồ ở đâu cho trang trọng.
Những ngày cận Tết, chúng tôi về xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, địa phương có 90% dân số là đồng bào Cơ Tu. Cuộc sống của đồng bào trong những năm gần đây đã khởi sắc, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã làm thay đổi diện mạo xã nghèo.
Anh Alăng Chinh, ở thôn Pho, xã Sông Kôn vừa dọn về ngôi nhà mới, rộng hơn 100m2 vừa được vợ chồng dành dụm xây mới để kịp đón Tết. Bàn thờ Bác được vợ chồng anh trang trọng đặt giữa nhà, với lòng thành kính sâu sắc nhất.
Truyền thống thờ Bác Hồ ở Sông Kôn đã có từ lâu lắm rồi. Người Cơ Tu thờ Bác với ý nghĩa đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại. Nhờ có Đảng, có Bác mà đến nay người dân mới có cơm ăn, áo mặc, cuộc sống được ấm no hạnh phúc. Tất cả các gia đình đồng bào Cơ Tu ở đây đều thờ Bác, đã thành truyền thống từ đời này qua đời khác”.
Già Alăng Đàng, 81 tuổi, thôn Bhlô Bền, xã Sông Kôn.
“Dân tộc mình ai cũng kính yêu Bác Hồ, Bác là Người cha vĩ đại. Nhờ có Đảng, có Bác mà người dân mới có được ấm no như hôm nay. Người Cơ Tu chúng mình hầu như tất cả đều thờ Bác như thờ tổ tiên gia đình. Từ thời ông mình, đến bố mẹ mình đều thờ Bác, khi vợ chồng có được căn nhà mới thì việc đầu tiên nghĩ đến cũng là lập bàn thờ để thờ Bác”, anh Chinh cho biết thêm.
Ghé thăm nhà anh Alăng Nết ở đầu làng, lúc chúng tôi đến, vợ chồng anh đang dọn dẹp lại bàn thờ Bác và bày trí thêm một số đồ trang trí xung quanh. Anh Alăng Nết cho hay: Gia đình mình lập bàn thờ Bác kể từ khi ra ở riêng. Cùng với việc thờ tổ tiên, dân làng người Cơ Tu thờ Bác một cách trang trọng với lòng biết ơn sâu sắc nhất. Ở đây, nhà nào cũng vậy, vào những ngày lễ, Tết hay sự kiện trọng đại của gia đình, việc đầu tiên là lau dọn bàn thờ Bác sạch sẽ. Ngoài hoa quả và bánh kẹo thông thường, người Cơ Tu sắm thêm bánh sừng trâu cùng một số sản vật đặc trưng của địa phương để dâng lên Bác. Mỗi tối và sáng, người dân thắp hương thể hiện tấm lòng của chủ nhà với tổ tiên và với Bác Hồ.
Bác Hồ luôn ở trong tim người Cơ Tu
Những ngày rong ruổi qua các bản làng miền Tây Quảng Nam, chúng tôi nhận thấy, dù nhà lớn hay nhà nhỏ thì người Cơ Tu luôn đặt bàn thờ Bác ở vị trí trung tâm của ngôi nhà. Trên bàn thờ, ảnh hoặc tượng Bác thường đặt ở chính giữa, ảnh người thân quá cố được đặt hai bên. Bác Hồ vẫn luôn trong trái tim người Cơ Tu. Kính Bác, người Cơ Tu một lòng theo Đảng, theo Bác không nghe lời kẻ xấu, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, tích cực lao động sản xuất.
Không chỉ ở trong nhà, trên từng mái gươl của người Cơ Tu cũng có ảnh thờ Bác. Theo già Alăng Đàng, trong các sự kiện quan trọng của cộng đồng, ngoài cúng tế thần linh theo phong tục, thắp hương trên bàn thờ Bác đã trở thành văn hóa chung của nhiều thế hệ người Cơ Tu. Thờ Bác Hồ là việc làm mang lại ý nghĩa rất lớn, rất đặc biệt và thiêng liêng. Bởi, với người Cơ Tu, Bác Hồ luôn ở trong trái tim cộng đồng, như vị trí của gươl được đặt ở trung tâm ngôi làng, hiện diện cho mong ước cuộc sống ấm no, hạnh phúc mỗi ngày. Đây cũng là hình thức nhắc nhở con cháu, dù cuộc sống có thể còn nhiều khó khăn nhưng công lao trời biển của Đảng và Bác Hồ, người Cơ Tu không cho phép con cháu mình được quên.