Tăng phụ cấp ưu đãi nghề sẽ giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế. Đặc thù công việc của ngành y tế là đối mặt với nhiều áp lực, nguy hiểm thế nhưng mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp cho nhân viên y tế các ngành đặc thù như: truyền nhiễm, cấp cứu…vẫn còn chưa tương xứng.
Trong tình hình các dịch bệnh mới nổi, tái nổi phức tạp, nhân viên y tế – nơi “đầu sóng ngọn gió” – ngày càng đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Công việc áp lực, thu nhập không đủ sống
Đang công tác tại khoa cấp cứu tại một bệnh viện đa khoa tuyến quận ở TP.HCM, bác sĩ N.T. cho biết theo quy định, mức phụ cấp cho nhân viên y tế tại khoa cấp cứu được hưởng là 60% tiền lương.
Với thâm niên làm việc 8 năm, tiền lương và phụ cấp của bác sĩ T. là hơn 11,2 triệu đồng. Phải cộng thêm các khoản tiền đi trực, khám bệnh theo yêu cầu nữa thì tổng thu nhập mới lên được khoảng 17 – 18 triệu đồng.
“Khoa cấp cứu là nơi “đầu sóng ngọn gió”, tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên dù bất kể giờ giấc nào. Cường độ công việc áp lực cao, đối diện nhiều rủi ro nhưng với tổng mức thu nhập hiện tại của tôi thì không đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình”, bác sĩ T. bộc bạch.
Cũng nhiều năm gắn bó với khoa cấp cứu tại một bệnh viện hạng 1 ở TP.HCM và hiện đang là trưởng tua trực, một nữ bác sĩ cho hay dù đã bước sang quý 4-2024 nhưng đến nay chị cùng đồng nghiệp đều chưa nhận được tiền phụ cấp ưu đãi nghề của ba quý đầu năm nay.
“Gom hết tất cả các khoản (đã tính cả phụ cấp nghề), tổng thu nhập của bác sĩ tại khoa cấp cứu khoảng 12 triệu đồng, còn điều dưỡng từ 8-9 triệu đồng. Thu nhập này chỉ giúp anh em đủ trang trải trong tháng, người có con nhỏ thì thiếu trước hụt sau, trong khi công việc tại khoa rất áp lực, chạy ngày chạy đêm.
Thế mà trong 10 tháng qua, chúng tôi chưa nhận được tiền phụ cấp nghề. Ai cũng từng ngày trông chờ nhận được số tiền này.
Dù đã có một số đồng nghiệp hỏi trực tiếp công đoàn của bệnh viện nhưng chưa được giải quyết. Không chỉ tiền phụ cấp nghề là 60% lương cho nhân viên y tế làm việc tại khoa cấp cứu, mà ngay cả tiền phụ cấp chống dịch COVID-19 chúng tôi vẫn chưa nhận được đồng nào”, nữ bác sĩ này tâm sự.
Phụ cấp thấp, bác sĩ không kham nổi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Lê Văn Chương, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, TP Thủ Đức (TP.HCM), cho biết trong tình hình dịch truyền nhiễm mới nổi, tái nổi ngày càng phức tạp, nhân viên y tế ngành truyền nhiễm càng phải đối mặt với nhiều rủi ro, nỗi lo về sức khỏe.
“Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp không ít lần điều trị cho bệnh nhân nhiễm sởi, thủy đậu, COVID-19, viêm gan A… do tiếp xúc với người bệnh thường xuyên.
Nhất là các bác sĩ nữ khi mang thai, hay những bác sĩ trong gia đình có con nhỏ nguy cơ lây lan không chỉ cho bản thân mà nguy cơ lây cho gia đình là rất cao”, bác sĩ Chương nói.
Bác sĩ Chương cũng cho biết dù đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng lớn với sức khỏe nhưng hiện nay mức phụ cấp ưu đãi cho nhân viên y tế các ngành đặc thù như: hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm… vẫn còn chưa cao. Hiện mức phụ cấp độc hại cho chuyên ngành truyền nhiễm, cấp cứu… chỉ ở mức 60%, cần phải được nâng lên 80 – 90%.
Ngoài ra, cần có thêm chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế khi đi học nâng cao trình độ như miễn giảm hoặc hỗ trợ học phí. Có như vậy các bác sĩ mới yên tâm công tác, gắn bó lâu dài, nhất là với bác sĩ mới ra trường.
Một bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm tại một bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM cho hay bác sĩ truyền nhiễm luôn là người đối diện với các bệnh nguy hiểm nhất. Không chỉ riêng họ mà gia đình cũng phải đối diện với nguy cơ bị lây nhiễm khi có người thân làm khoa nhiễm. Do vậy họ sẽ được bồi dưỡng phụ cấp độc hại, thế nhưng mức này hiện nay chỉ là bồi dưỡng tinh thần chưa đáng kể.
“Trong tình hình nhiều dịch bệnh mới nổi như hiện nay họ càng đối mặt với nhiều nguy hiểm. Bản thân mỗi bác sĩ phải học cách phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân và người nhà của mình nhưng không phải lúc nào cũng tuyệt đối, nguy cơ bị lây nhiễm cũng cao”, vị này cho hay.
Cũng theo bác sĩ này, tại nhiều trường đào tạo hiện nay các chuyên ngành như: hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, bệnh lao… tỉ lệ theo học rất ít.
Lý do là do đặc thù công việc đối mặt áp lực cao, nguy hiểm, chỉ cần một sơ suất trong điều trị hay sử dụng sai thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh…
Do vậy cần thêm chế độ ưu đãi như miễn giảm hoặc hỗ trợ học phí khi học lên hoặc trong quá trình cập nhật kiến thức. Đồng thời tăng thêm chế độ phụ cấp để họ an tâm làm việc, bám trụ gắn bó với nghề, yên tâm công tác.
Vẫn dựa trên mức phụ cấp ưu đãi quá cũ
Hiện việc áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức ngành y tế dựa trên nguyên tắc quy định tại điều 2 nghị định 56 năm 2011 của Chính phủ. Theo đó, tùy theo tính chất công việc của nhân viên, công chức ngành y tế, mức phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 30%, 40%, 50%, 60%, 70%…
Đề xuất tăng tiền phụ cấp cho nhân viên y tế
Bộ Y tế đang dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Nguyên nhân là do các mức phụ cấp hiện nay cho nhân viên y tế quá thấp, không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay.
Trong đó có tăng phụ cấp chống dịch với người tham gia chống dịch gồm: người đi giám sát, điều tra, xét nghiệm, xác minh dịch; trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm tại cơ sở y tế và cộng đồng…
* Cụ thể, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: điều chỉnh mức tiền từ 150.000 đồng/người/phiên trực lên mức 425.000 đồng/ngày/người.
* Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B: điều chỉnh mức tiền từ 100.000 đồng/người/phiên trực lên mức 285.000 đồng/ngày/người.
* Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C: điều chỉnh mức tiền từ 75.000 đồng/người/phiên trực lên mức 215.000 đồng/ngày/người.
Ngoài ra đề xuất người lao động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực thành “Người tham gia chống dịch, trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 45.000 đồng/người/phiên trực”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cach-nao-giam-ap-luc-cho-nhan-vien-y-te-20241014231256385.htm