Xuất khẩu quế, hồi sang Canada tăng đột biến nhờ Hiệp định CPTTP Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 |
Xuất khẩu quế thu về hơn 220 triệu USD trong 10 tháng năm 2023
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu được 7.241 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 20,5 triệu USD, so với tháng 9 lượng xuất khẩu tăng 28,1%.
Xuất khẩu quế thu về hơn 220 triệu USD |
Khu vực châu Á duy chỉ có xuất khẩu sang Ấn Độ giảm 10,8% đạt 2.600 tấn, trong khi đó xuất khẩu sang các thị trường khác đều tăng mạnh như: Indonesia tăng 93,2%; Hàn Quốc tăng 225,8%; Pakistan tăng 242%; Bangladesh tăng 900%…
Thị trường xuất khẩu quế lớn thứ 2 của Việt Nam trong tháng 10 là Hoa Kỳ đạt 847 tấn, tăng 24% so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu được 74.744 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 220,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và nhưng giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu quế trung bình 10 tháng đầu năm 2023 đạt 2.948 USD/tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Các thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam bao gồm: Ấn Độ đạt 32.795 tấn, chiếm 43,9% thị phần và tăng 24,7%; Hoa Kỳ đạt 8.379 tấn, tăng 11,2%; Bangladesh đạt 4.780 tấn, tăng 25,7%; Brazil đạt 2.538 tấn, tăng 30,6%; Indonesia đạt 2.202 tấn, tăng 75,7%.
5 doanh nghiệp xuất khẩu quế hàng đầu trong Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam bao gồm: Prosi Thăng Long đạt 11.971 tấn, giảm 3%; Senspices Việt Nam đạt 4.360 tấn, tăng 49,9%; Gia vị Sơn Hà đạt 3.868 tấn, giảm 5,5%; Olam Việt Nam đạt 2.551 tấn, giảm 35,8%; Expo Commodities đạt 2.483 tấn, tăng 61,4%.
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, do xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Vẫn thiếu định hướng chiến lược phát triển bền vững cấp quốc gia
Ông Lê Việt Anh – Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thông tin, Việt Nam hiện có khoảng 166.875ha quế với 45.000 tấn. Nhu cầu về gia vị của các thị trường vẫn ở mức cao… do đó Việt Nam có thuận lợi về xuất khẩu gia vị nhất là khi có các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP…
Tuy nhiên, ngành gia vị Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, ngành quế vẫn chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững cấp quốc gia. Trong khi các doanh nghiệp vẫn thiếu thốn về công nghệ, thiếu vốn để đầu tư chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm.
Các yếu tố bất ổn địa chính trị có thể là nguyên nhân tiếp tục gây ra những bất ổn về giá hơn là yếu tố cung cầu. Trong khi sự cạnh tranh từ các nước sản xuất khác như Indonesia và Trung Quốc vẫn luôn luôn dai dẳng.
Ngoài ra, diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu sẽ là thách thức chính đối với ngành nông nghiệp trên toàn cầu trong khi các loại chi phí tiếp tục gia tăng sẽ tác động lớn đến nguồn cung…
Nói về xu hướng thị trường, ông Lê Việt Anh cho rằng, xu hướng thị trường gia vị toàn cầu hiện nay và thời gian tới là tiêu dùng xanh, giảm khí phát thải carbon; sản phẩm truy xuất nguồn gốc; đảm bảo chất lượng; các sản phẩm giá trị gia tăng, hữu cơ…
Trước tình hình đó, để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường, ông Việt Anh cho rằng chỉ có một cách là phải cải thiện chất lượng và giảm chi phí sản xuất để tạo ra sản phẩm giá trị đạt chất lượng cao và có tính cạnh tranh hơn. Hướng đến đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa vùng trồng.
Các doanh nghiệp nên tập trung nghĩ nhiều hơn đến chiến lược tăng cường chế biến sâu, đặc biệt là các loại gia vị chế biến từ trang trại đến bàn ăn. Duy trì ổn định diện tích các loại cây gia vị theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, cần có quy hoạch tổng thể các vùng trồng, sản xuất để các nhà đầu tư yên tâm và có chiến lược đầu tư dài hạn…
Ở góc độ thị trường, ông Trần Văn Công – Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) nhận định, châu Âu là một trong những khu vực nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới, với hơn 95% hàng nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu đến từ các nước đang phát triển.
Trong đó riêng nhập khẩu từ các nước đang phát triển đạt 1,8 tỷ Euro và chiếm 60% lượng nhập khẩu của châu Âu giai đoạn 2019 – 2021, tăng 9%/năm. Ngoài ra, giá nhập khẩu trung bình ở châu Âu cũng cao hơn so với hầu hết các khu vực khác. Điều này khiến châu Âu trở thành thị trường mục tiêu cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, xuất khẩu vào thị trường này cần lưu ý một số yêu cầu như kiểm soát chặt chẽ về chất độc hại, chất gây dị ứng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nhiệt, kiểm dịch thực vật, chứng nhận an toàn thực phẩm, chuỗi cung ứng minh bạch…
Đối với một thị trường trọng điểm khác của gia vị Việt Nam là Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Huy – Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ, nhu cầu về gia vị của thị trường này đang ngày càng tăng cao do nhu cầu tăng sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng hậu Covid-19.
Để tăng thị phần gia vị Việt Nam tại thị trường này cũng như đưa Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn trong chuỗi cung ứng gia vị toàn cầu, ông Phạm Quang Huy cho rằng, bên cạnh các sản phẩm thô, cần đa dạng hóa sản phẩm gia vị phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm…
Theo ông Phạm Quang Huy, cây gia vị không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn là nguồn gen quý, bản địa, giúp xóa đói giảm nghèo, góp phầm bảo tồn đa dạng sinh học dưới tán rừng… Đây là những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp có thể đưa vào để quảng bá sản phẩm gia vị Việt Nam trước xu hướng tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải của thị trường Hoa Kỳ.