Cách mạng Tháng Tám là một trong 3 thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20. Bản hùng ca Tháng Tám là thành quả hội tụ bởi sức mạnh bản lĩnh, trí tuệ, hào khí Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám vẫn mãi trường tồn cùng dân tộc bởi ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại sâu sắc. Song một số tổ chức, cá nhân, nhất là các thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử, đánh tráo thành quả cách mạng, tìm cách hạ bệ sức mạnh Việt Nam và bôi nhọ thanh danh của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng luận điệu: Cách mạng Tháng Tám là “ăn may” bởi “khoảng trống quyền lực”.
“Ăn may” – một kiểu tư duy lấp liếm
Luận điệu xuyên tạc, đánh tráo thâm độc nhất mà các thế lực thù địch ra sức khai thác, sử dụng là Cách mạng Tháng Tám diễn ra vào thời điểm mà Việt Nam đang hiện tồn “khoảng trống quyền lực” sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Sự ngụy biện đó được William.J. (Hoa Kỳ) lấp liếm trong cuốn “Con đường giành quyền lực của cộng sản ở Việt Nam” cho rằng: “Sự tan rã nhanh chóng của chính phủ ở cả các khu vực thành thị và nông thôn đi đôi với sự trì hoãn đổ bộ của các lực lượng chiếm đóng của Đồng minh sau khi Nhật Bản đầu hàng đã tạo ra một khoảng trống chính trị ở tất cả các đầu mối quyền lực”.
Trong cuốn “Cách mạng Việt Nam 1945-Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh”, Stein Tonnesson (Na Uy) tự tạo dựng: “Khoảng trống quyền lực có thể được mô tả cụ thể hơn là sự vắng mặt của người Pháp và quân Đồng minh, sự thiếu quyết đoán của người Nhật trong việc duy trì sự cai trị cho đến khi quân Đồng minh tới, và sự bất lực của giới quan lại cùng chính quyền của họ trong việc tự phục vụ quyền lợi của họ” và từ đó cố tình chụp mũ rằng: “Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực, các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã “mời” Việt Minh giành chính quyền”…
Những luận điệu xuyên tạc này liên tục được các thế lực thù địch, phản động khai thác, tán phát. Chúng biện minh, kể từ sau cuộc đảo chính ngày 9-3-1945, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp, tới khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện thì ở Việt Nam xuất hiện “khoảng trống quyền lực” và khi xuất hiện “khoảng trống quyền lực” thì cách mạng cứ nổ ra là giành thắng lợi, không cần phải “dày công tổ chức, lãnh đạo”.
Cách mạng Tháng Tám – biểu tượng của sức mạnh Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Điểm chung của các luận điệu chống phá mà các thế lực cơ hội, bất mãn, thù địch, phản động sử dụng là thủ đoạn suy diễn, chụp mũ và quy kết hết sức trắng trợn. Chúng cố tình đánh tráo khái niệm và lập luận rằng Cách mạng Tháng Tám diễn ra đúng vào thời điểm có một “khoảng trống quyền lực” ở Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng sau khi Nhật hoàng tuyên bố trên đài phát thanh chấp nhận đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh (ngày 14-8-1945) và quy kết cách mạng chỉ cần nổ ra là sẽ giành được thắng lợi để đi tới chụp mũ rằng đó không phải là thành quả có được bằng sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà chỉ thuần túy là một sự “ăn may”. Bản chất của luận điệu đó nhằm hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, hạ thấp sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cuộc cách mạng vĩ đại này, làm lu mờ thành quả và giá trị vĩ đại của cuộc cách mạng “long trời lở đất”.
Thành quả vĩ đại là sự thật không thể đảo lộn
Về mặt lý luận, cách mạng xã hội là sự biến đổi căn bản về chất trong toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội và là phương thức chuyển từ hình thái kinh tế-xã hội cũ sang hình thái kinh tế-xã hội ưu việt hơn. Bản chất cốt lõi của cách mạng xã hội là việc lật đổ một chính quyền đã lỗi thời và thiết lập một chế độ chính trị tiến bộ hơn. Vì vậy, giai cấp cách mạng phải giành chính quyền từ tay giai cấp thống trị, phản cách mạng và xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng. Tuy nhiên, dù đã trở nên lỗi thời, phản động song giai cấp thống trị không bao giờ chịu nhường quyền lãnh đạo xã hội cho giai cấp khác nên bạo lực cách mạng chính là quy luật phổ biến của mọi cuộc cách mạng. Vì vậy, cách mạng xã hội chỉ thành công khi giai cấp cách mạng quy tụ, tổ chức lực lượng đủ mạnh để đánh đổ bạo lực phản cách mạng, đập tan bộ máy chính quyền cũ, dựng xây chính quyền mới. Là cuộc cách mạng xã hội sâu sắc, toàn diện, triệt để nhất, nên con đường giành thắng lợi của cách mạng vô sản càng trở nên khó khăn, phức tạp, gian truân hơn.
Tiến trình lịch sử tự nhiên của xã hội loài người cho thấy, chưa có bất kỳ một cuộc cách mạng xã hội nào giành thắng lợi do “ăn may” theo kiểu “há miệng chờ sung”, hay món quà được ban tặng. Các cuộc cách mạng trên thế giới thành công đều là những cuộc chiến đấu đầy thử thách, hy sinh của lực lượng cách mạng. Trong cuộc cách mạng tư sản Mỹ (1765-1783), nước Mỹ đã phải tiến hành chiến tranh bằng sức mạnh của quân đội chống lại đế quốc Anh để giành độc lập và thành lập nền dân chủ tự do lập hiến đầu tiên thời hiện đại là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Tại Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik và trực tiếp là Ủy ban Quân sự cách mạng, nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Nga (Hồng Vệ binh, thủy thủ, binh sĩ) đã khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Mười năm 1917, lập nên nước Nga Xô viết…
Cách mạng Tháng Tám là thành quả tất yếu của cả quá trình chuẩn bị lâu dài, công phu bằng bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh Việt Nam. Ngay khi vừa mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác lập được đường lối đúng đắn, được tiến hành bằng phương pháp bạo lực cách mạng của quần chúng để đánh đổ bạo lực phản cách mạng. Xuyên suốt 15 năm (1930-1945), qua 3 cao trào cách mạng, Đảng đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam dày công chuẩn bị toàn diện, chủ động tạo lực, tạo thế, tạo thời cơ cách mạng. Ngay khi nhận diện sự xuất hiện của tình thế cách mạng, Đảng đã chủ trương đặt nhiệm vụ đánh đế quốc, tay sai, giải phóng dân tộc lên hàng đầu tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939) và được Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) hoàn thiện.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12-3-1945), chỉ rõ: “Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi”; đồng thời quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng, Ủy ban Dân tộc giải phóng, Ủy ban Nhân dân cách mạng… làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa. Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ (từ ngày 15 đến 20-4-1945) đã chỉ rõ “Tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này”, nhằm hoàn thành trọng trách “trong thời kỳ tiền khởi nghĩa hiện giờ và trong thời kỳ tổng khởi nghĩa sắp tới”.
Nhạy bén với thời cuộc, nhận định chính xác sự chín muồi của thời cơ cách mạng, Đảng đã ra Lời hiệu triệu: “Giờ hành động quyết liệt đã đến. Đồng bào và các đoàn thể cứu quốc… hãy cùng với Giải phóng quân và tự vệ đội nổi dậy đánh chiếm các đồn, các huyện lỵ, phủ lỵ và các tỉnh lỵ, tước khí giới của giặc Nhật”. Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Trước khi Nhật hoàng công khai tuyên bố đầu hàng một ngày, Ủy ban Khởi nghĩa đã ban hành Lệnh Tổng khởi nghĩa (Quân lệnh số 1, ngày 13-8-1945), phát động toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc.
Thực tế khẳng định trong khoảng thời gian từ khi Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương cho đến ngày tổng khởi nghĩa thành công, ở Việt Nam không hề tồn tại bất kỳ “khoảng trống quyền lực” nào, bởi Tập đoàn quân 38 của Nhật đã nhanh chóng thiết lập bộ máy thống trị giành quyền kiểm soát trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và Đông Dương. Một ngày sau khi Quân lệnh số 1 được phát đi, Chính phủ Trần Trọng Kim vẫn tuyên bố “Nhất quyết không chịu lùi một bước trước một khó khăn nào để làm tròn sứ mệnh…” và cam đoan “vẫn hợp tác chặt chẽ với nhà đương cục Nhật”. Mặt khác, khi Đảng lãnh đạo toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa, quân Nhật, Pháp ở Đông Dương vẫn gần như nguyên vẹn về lực lượng và quân Đồng minh chưa kịp tiến vào Đông Dương. Do đó, chớp “thời cơ vàng” là nét nghệ thuật độc đáo mà Đảng ta, đứng đầu là Bác Hồ đã kịp thời nắm bắt, lãnh đạo toàn dân dốc toàn lực tung đòn quyết định hạ gục kẻ thù.
Bài học lịch sử và giá trị thời đại
Cách mạng Tháng Tám thành công, “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ cộng hòa” (1). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra bước ngoặt trọng đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình và đưa Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Đó là chiến thắng của tinh thần tự lực cánh sinh, đem sức ta mà giải phóng cho ta… Đó là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh, ý chí, niềm tin chính nghĩa của cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
“Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(2). Ý nghĩa to lớn đó được nhà sử học Mông Cổ, TS Sanomish Dashtsevel nhận định: “Cách mạng Tháng Tám đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Cuộc Cách mạng Tháng Tám còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ ở các nước châu Á và trên thế giới”. Với cộng đồng quốc tế, “trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của những người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã làm sáng tỏ, bổ sung lý luận Mác-Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa trong thời đại mới.
Cách mạng Tháng Tám vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại sâu sắc. Đó là nguồn cội để dân tộc Việt Nam khơi dậy khát vọng cống hiến, phát huy sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững trên con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sự thật hiển nhiên chỉ có một, chân lý lịch sử là vĩnh hằng. Thành quả Cách mạng Tháng Tám là kết tinh công sức, trí tuệ, ý chí, máu xương của toàn thể dân tộc Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đó là thành quả từ công tác chuẩn bị thực lực và tiềm lực cách mạng chu đáo, khoa học và sự mẫn cảm về chính trị trong nhận diện tình thế, thời cơ cách mạng của Đảng ta.
Đại tá, TS ĐOÀN TẤT THẮNG, Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Lịch sử Đảng, Trường Sĩ quan Chính trị
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.436.
(2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.25.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng xem các tin, bài liên quan.
qdnd.vn
Nguồn:https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-bao-chi-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-trong-tinh-hinh-moi/cach-mang-thang-tam-ban-hung-ca-bat-tu-790028