Khoa cho biết lý do chọn Đài Loan xuất phát từ sự hứng thú về các chủ đề an ninh (security) và bản sắc (identity) đặc trưng của nơi này, cũng là nơi được coi là ‘điểm nóng’ của Châu Á – Thái Bình Dương.
Việc học là tổng hòa giữa ba yếu tố
Đăng Khoa lựa chọn hai ngành học song song là Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế (Diplomacy and International Relations) hệ Honors và ngành Chính trị và Kinh tế Quốc tế (Global Politics and Economics) tại Đại học Tamkang , Đài Loan với mong muốn có thể hiểu sâu sắc hơn về chính trị, văn hóa, và bản sắc của hòn đảo nhỏ này.
Xuất phát từ lý do này mà ngoài học tập Khoa, còn quyết tâm tham gia nhiều nhất có thể những khóa học, hội thảo khoa học, và các chương trình để trau dồi kiến thức học thuật của mình. Trong quá trình học tập, nam sinh đồng thời thực tập tại Trung tâm EU tại Đài Loan để giúp bản thân hiểu hơn về mối quan hệ ngoại giao giữa hai khu vực, vai trò quan trọng của mối quan hệ này, và có cơ hội kết nối với nhiều học giả, giúp anh chàng tham gia nhiều vào các thảo luận, hội thảo với các học giả, phái đoàn đại biểu các quốc gia.
Đặc biệt, Khoa rất vinh dự khi mới đây được tuyển vào vị trí thực tập tại European Values Center for Security Policy (tạm dịch: Trung tâm Giá trị EU về Chính sách An ninh), tập trung vào nghiên cứu các chính sách an ninh châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương như an ninh kinh tế, an ninh con người, và kết nối với các cộng đồng học thuật, thúc đẩy giao thoa văn hóa, và ngoại giao nhân dân.
Nhắc đến thành tích nổi bật của bản thân, Đăng Khoa cho biết mình là thủ khoa toàn khóa QHQT năm 2023-2024 tại Đại học Tamkang, một trong những thành tựu học thuật tự hào nhất trong quá trình học tập của nam sinh.
Với Khoa, việc học là sự tổng hòa giữa ba yếu tố: lý thuyết, thực hành, và những vấn đề hứng thú cụ thể. Theo đó, những ngành mang nặng các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội như quan hệ quốc tế, chính trị, xã hội học, nhân học,… việc nắm bắt lý thuyết cốt lõi và các triết lý của ngành mang tính nền tảng cho việc thấu hiểu và nắm bắt hơn về các vấn đề của ngành.
Vì vậy, trong quá trình học, Đăng Khoa thường xuyên hệ thống hóa các kiến thức về các trường phái, lý thuyết lớn, và cụ thể hóa cách tiếp cận của các học giả để có thể tiếp cận các vấn đề một cách đa chiều nhất. Bên cạnh đó, các sách chuyên ngành, chuyên khảo sẽ giới thiệu cơ bản các vấn đề, nhưng cũng đồng thời trích dẫn các nguồn học thuật liên quan. Khoa xem đó là cơ hội để tiếp tục tìm đọc sâu hơn các tác phẩm, tác giả nổi bật của ngành.
Bên cạnh đó, thực hành sẽ giúp người học áp dụng lại kiến thức trong học tập. Một trong những môn học trên trường yêu cầu Khoa cần phải viết một bản mẫu tóm tắt chính sách (policy brief). Đây cũng đồng thời là công việc nam sinh được giao trong các tổ chức thực tập với vai trò là thực tập sinh mảng chính sách. Từ đó, Khoa cũng nắm rõ hơn các quy trình, khuôn mẫu, và cách tiếp cận vấn đề trong các bản báo cáo, giúp thực hiện bài có tính thực tiễn và gần gũi nhất với công việc.
Cuối cùng là sự hứng thú. Vì bản chất ngành rộng, việc học quá bao quát sẽ khiến bản thân dễ bị ngợp và dần mất hứng thú với chuyên ngành. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng nền tảng lý thuyết vững, Đăng Khoa sẽ chọn những chủ đề chuyên ngành mà mình hứng thú.
“Đối với mình các chủ đề đó là chủ nghĩa kiến tạo, thuyết an ninh hóa, và một vài thuyết xã hội như thuyết kiến tạo xã hội”, Khoa nói.
Tuy vậy, Đăng Khoa thừa nhận hành trình học tập của mình còn nhiều khó khăn. Nam sinh nhấn mạnh trong chuyên ngành yêu cầu chính là nắm được lý thuyết một cách hệ thống và hiểu được nền tảng triết lý của các trường phái. Đơn cử, hai thuyết lớn nhất của quan hệ quốc tế là Hiện thực và Tự do có một mối quan hệ mật thiết với nhau ở cấp độ giả thuyết nền tảng là một điều Khoa chỉ nhận ra khi đã theo chuyên ngành được hơn 2 năm.
Từ đó, anh chàng cho rằng điều giúp bản thân vượt qua là việc đọc và yếu tố xã hội. Khoa nói: “Mình thực sự may mắn khi đã có thể tiếp cận được với một cuốn sách mang tính bao quát về ngành, phân tích sâu sắc các hiện tượng, trường phái một cách hệ thống, song vẫn để ý đến trình độ người đọc để truyền tải với một ngôn ngữ tiếp cận được. Ngoài ra, trong quá trình học, nhất thiết sẽ cần sự tương tác với các giảng viên và những người đồng trang lứa hoặc đồng ngành”.
Theo Khoa việc tiếp cận kiến thức qua việc chủ động kết nối, mở rộng mạng lưới, và tham gia vào thảo luận sẽ giúp sinh viên tiếp cận nguồn tài liệu, tài nguyên lớn hơn mà các “người khổng lồ” đã đặt nền móng từ trước. Đồng thời, việc giao tiếp sẽ giúp quá trình học không bị đóng, môi trường để trao đổi và hỏi phần nào khiến hành trình học thuật sẽ bớt đáng sợ và ngợp hơn.
Chia sẻ về sự khác biệt nào giữa việc học tập ở Việt Nam và ở nước ngoài trong phạm trù ngành học Khoa bày tỏ: “Mình nghĩ rằng có hai điểm khác biệt thú vị: một chính là văn hóa học thuật và hai là chương trình giảng dạy”.
Thời gian học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (TPHCM) Đăng Khoa cho biết tiếp thu được văn hóa và thói quen học tập, nghiên cứu xã hội khá vững vàng, xuất phát từ chính truyền thống và bề dày chuyên môn nghiên cứu của trường.
Từ đó, nam sinh hình thành hệ thống các thói quen nghiên cứu và suy nghĩ trong khoa học xã hội. Tuy nhiên, do ngành Quan hệ Quốc tế còn mới ở Việt Nam, nên cơ hội tiếp cận các tài liệu còn phần giới hạn. Đây chính là điểm đặc biệt khá đặc trưng của môi trường học tập của Khoa tại Đài Loan: độ nặng của tài liệu, và văn hóa thúc đẩy đọc sách và nghiên cứu cá nhân.
Nguồn lực và đầu tư lớn cho thư viện và cơ sở dữ liệu nghiên cứu của đại học giúp anh chàng có khả năng tiếp cận được với nhiều tài liệu hơn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên khuyến khích sinh viên đề cử sách và tạp chí để mở rộng tài liệu tham khảo.
“Bản thân mình trong năm vừa qua đã đề xuất được 20 đầu sách, tạp chí thêm cho mảng nghiên cứu chính trị quốc tế của trường. Hơn nữa, trường cũng có những sự kiện phát sách miễn phí thường niên, từ đó mình cũng đã tìm ra được nhiều cuốn sách mang tính nền tảng, giúp mình định hình được các chủ đề ngách mà mình quan tâm”, Đăng Khoa nói thêm.
Thứ hai, nam du học sinh nhận thức được bản sắc của từng chương trình giảng dạy của hai trường. Tại trường Đại học Khoa theo học tại Việt Nam, các môn học sẽ tập trung nhiều hơn về các mảng kiến thức phục vụ cho công tác ngoại giao, chính sách đối ngoại thực tiễn với bối cảnh Việt Nam.
Bên cạnh đó, trường sẽ có những tín chỉ xây dựng các kỹ năng mềm để mở rộng cơ hội, cũng như giúp sinh viên có độ linh động trong công việc, chuyên ngành tương lai. Còn tại đại học ở Đài Loan, chương trình sẽ tập trung nhiều hơn về các thuyết chính trị, luật quốc tế và chính sách đối ngoại với các chủ thể đặc trưng của Đài Loan. Đặc biệt, vì trường thuộc nhóm hiệp hội các đại học chuyên về EU (trung tâm EUTW, nơi Đăng Khoa hiện đang thực tập), nên chương trình cũng có nhiều học phần liên quan mật thiết đến các vấn đề về Liên minh Châu Âu.
Chia sẻ về quá trình học tập, nghiên cứu về an ninh châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương, Khoa khẳng định rằng EU có vai trò và tầm ảnh hưởng rất lớn tới chính trị quốc tế.
Bên cạnh đó, châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực mang tính then chốt trong an ninh quốc tế, từ tiềm năng kinh tế đến quyền lực chính trị của các quốc gia trong khu vực này. Các động thái, sự phát triển, hay tranh chấp của khu vực sẽ có ý nghĩa toàn cầu trong nhiều khía cạnh: lương thực, cung ứng, công nghệ…
Vì vậy, trong chính sách học tồn tại một mối quan tâm mật thiết đến quan hệ cũng như an ninh châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương. Một trong những mảng nghiên cứu mà Đăng Khoa quan tâm trong thời gian gần đây chính là sự quan tâm của EU tới an ninh kinh tế với các chủ thể then chốt ở khối Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, và sau đó là sự mở rộng ra các chủ thể khác như Trung Quốc, Ấn Độ, và các quốc gia ASEAN.
Thực tập tại viện nghiên cứu của Châu Âu
Hiện tại, trung tâm Đăng Khoa đang thực tập là European Values Center for Security Policy – viện nghiên cứu của châu Âu đầu tiên tại Đài Loan, quan tâm đến các vấn đề đối ngoại song phương, đa phương của Đài Loan với khối EU và các quốc gia thành viên. Một trong những trụ cột của trung tâm chính là nghiên cứu chính sách.
“Mình đã tìm hiểu và hứng thú với trung tâm từ lâu, vì định hướng và tầm nhìn của trung tâm liên quan trực tiếp đến các vấn đề mình quan tâm. Bên cạnh đó, các trải nghiệm cũng như công việc mình được giao giúp mình có cơ hội áp dụng các kiến thức vào nghiên cứu thực tế, xây dựng và phát triển kỹ năng bản thân, và kết lại với các ấn phẩm cho trung tâm.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng có nhiều hoạt động kết nối các tài năng trẻ, các chính trị gia, và các nhà nghiên cứu, từ đó mở rộng mạng lưới kết nối cá nhân và các góc nhìn từ bên trong. Từ đó, mình có thể xây dựng bề dày chuyên môn, nghiên cứu, mở rộng kết nối, với mục tiêu tiếp tục trên con đường học thuật tương lai ở châu Âu”, nam sinh bật mí.
Sau khi hoàn thành thực tập, Khoa cho biết sẽ tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu các vấn đề liên quan đến chính sách an ninh trong tương lai, đặc biệt tập trung vào khu vực châu Âu và Đông Nam Á.
Theo lăng kính của Đăng Khoa, Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng nền kinh tế chính trị ổn định, tài nguyên dồi dào, và đặc biệt là một nguồn nhân lực trẻ lớn, có thể cung ứng cho các nhu cầu sản xuất toàn cầu. Nhà nước hiện nay có nhiều chính sách đầu tư nâng cao tay nghề và chuyên môn các mảng công nghệ cao, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu sản xuất và tiếp nhận vốn đầu tư FDI các mảng bán dẫn và nghiên cứu công nghệ, đặc biệt từ các doanh nghiệp lớn của Mỹ, Hàn Quốc, và Đài Loan.
Đây chính là những yếu tố đặc trưng của Việt Nam mà ít có quốc gia nào có thể đáp ứng đầy đủ được. Thông qua phát triển kinh tế, các quốc gia càng nâng cao cơ hội giao thoa, trao đổi, thúc đẩy hợp tác, từ đó xúc tiến quan hệ và nâng cao thấu hiểu chung. Các hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh thông qua kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh già hóa dân số toàn cầu, cạnh tranh thương mại, và bất ổn chính trị thế giới hiện nay.
Nhắn gửi đến các bạn sinh viên có ước mơ du học, Đăng Khoa bày tỏ: “Một trong những yếu tố quan trọng nhất để theo bất cứ ngành nào chính là sự hứng thú của bạn. Các bạn hãy bày tỏ nguyện vọng cá nhân không chỉ về môi trường học thuật, mà còn là định hướng của bản thân. Từ đó, mục tiêu sẽ trở nên rõ ràng, giúp các bạn có thêm cơ hội, bài học, và mối quan hệ ở quốc gia đó”.
Phương Nga. Ảnh: NVCC (svvn.tienphong.vn)
Nguồn: https://danviet.vn/cach-hoc-giup-nam-sinh-viet-tro-thanh-thu-khoa-toan-khoa-tai-dai-hoc-lau-doi-nhat-dai-loan-20240926110111236.htm