Suy nhược cơ thể, nhập viện vì học quá sức
Học cả ngày trên lớp, Dương Quốc Vĩ, học sinh lớp 12 Trường THPT Sơn Mỹ, Quảng Ngãi, vẫn dành gần hết thời gian buổi tối để ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sắp tới.
“Buổi tối em thường học từ 7 giờ 30 đến 2 giờ sáng, có hôm đến 3 giờ 30 phút. Em chủ yếu luyện giải đề và học trực tuyến ở những lớp luyện thi trên Facebook, TikTok. Em tự nhận thấy cơ thể có phần suy nhược, mệt mỏi, thậm chí ngủ gục trên bàn do thiếu ngủ nhưng gần thi rồi nên phải ráng”, Vĩ chia sẻ.
Tương tự, Nguyễn Thị Thúy Phương, học sinh lớp 12 Trường THPT Quang Trung, Bình Định, cũng xuyên ôn bài đến 2 giờ sáng. “Hiện tại em cảm thấy sức khỏe cũng khá ổn nhưng do thức khuya nhiều nên không được tỉnh táo và đau lưng vì ngồi nhiều”, Thúy Phương nói.
Còn P.M.T, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, TP.HCM, đã sút gần 5 kg trong 2 tháng ôn tập. Do học liên tục cả ngày ở trường và tối phải đi học thêm đến 22 giờ nên T. thường xuyên bỏ bữa. Ngày 10.6, T. bị đau bụng dữ dội nên gia đình chở đến bệnh viện khám và được chẩn đoán bị đau dạ dày do nhịn ăn và căng thẳng.
“Khoảng 2 tuần nay, em hầu như không ăn tối, học ở trường xong, em chạy qua lớp học thêm ngay, chỉ uống 1 hộp sữa cho đỡ đói. Cân nặng trước đây của em khoảng 60 kg nhưng hiện tại chỉ còn 55kg. Sau hôm nhập viện, ba mẹ không cho em thức khuya học bài để giữ gìn sức khỏe cho kỳ thi”, nam sinh nói.
Cân đối chế độ ôn tập và nghỉ ngơi
Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, bác sĩ Trương Mai Quyên (Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Sản nhi Trà Vinh) nhận xét việc nhịn ăn, thức khuya ôn thi trong giai đoạn hiện nay của một số học sinh là hoạt động không tốt cho sức khoẻ, dễ gây tác dụng ngược.
“Làm việc liên tục trong thời gian dài sẽ kích thích thần kinh trung ương hoạt động không nghỉ dẫn đến mệt mỏi, làm giảm hiệu quả công việc, học tập. Ngoài ra, không điều độ trong sinh hoạt và trong dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hóa, làm ảnh hưởng sức khỏe. Một số vấn đề mà học sinh có thể mắc phải là hạ đường huyết, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày…”, bác sĩ Quyên khuyến cáo.
Bên cạnh đó, việc ăn uống và nghỉ ngơi thất thường sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng cũng như độ tập trung của thí sinh. Theo bác sĩ Quyên, học sinh và phụ huynh nên có kế hoạch sắp xếp cân bằng thời gian ôn tập, nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe vào giai đoạn hiện tại. Học sinh cần điều tiết lối sống cũng như tần suất học tập để giảm thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, căng thẳng dễ dẫn đến stress, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa.
“Đảm bảo đủ dinh dưỡng trong giai đoạn hiện tại sẽ giúp tăng cường trí não, giúp các bạn đối mặt và vượt qua căng thẳng mùa thi. Phải ăn đủ 3 bữa chính và nên có 1-2 bữa phụ, tuyệt đối không bỏ bữa sáng, vì nó rất quan trọng cũng như cấp năng lượng sau một đêm dài. Thức ăn cần đa dạng đầy đủ các nhóm: đạm, chất béo, vitamin nhóm B, bột đường, Iốt, sắt, kẽm, vitamin C… ưu tiên đạm động vật, trong tuần nên có 5 bữa ăn sử dụng cá”, bác sĩ Quyên đưa lời khuyên.
Ở giai đoạn hiện tại, bác sĩ Quyên khuyên phụ huynh không nên cho con sử dụng quá nhiều thực phẩm bổ sung, không cho ăn thức ăn lạ, khó tiêu dễ gây ngộ độc thực phẩm. Cuối cùng là phải ngủ đủ giấc, từ 6-8 giờ/ngày và kết hợp tập thể dục nhẹ nhàng, uống đủ nước giúp máu lưu thông và giữ bình tĩnh, tỉnh táo hơn.
Cô Dương Thị Huỳnh, giáo viên sinh học Trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành, tỉnh Trà Vinh, nhận định dù giai đoạn này học sinh cần tích cực ôn tập, nhưng vẫn phải ăn uống đầy đủ, không ôn luyện hay học quá sức.
“Các em phải đảm bảo cả về kiến thức, sức khỏe lẫn tinh thần. Trước ngày thi, học sinh nên tập giải thêm đề, luyện đề để rèn kỹ năng giải đề, ôn tập thật kỹ các điểm kiến thức quan trọng. Đến sát ngày thi chỉ cần xem lại những gì đã học, đã ôn, không nhồi nhét thêm. Giữ tinh thần thoải mái, không quá căng thẳng để có thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất”, cô Huỳnh nói.