Chậm tốt nghiệp vì nợ các chuẩn đầu ra
Có nhiều nguyên nhân khiến cho sinh viên phải trì hoãn việc xét tốt nghiệp như nợ môn, thiếu chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn đầu ra, chưa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp… Trong khi đó, chứng kiến bạn bè cùng lớp được tốt nghiệp cũng là điều khiến sinh viên cảm thấy vừa buồn, vừa áp lực.
Tuấn Anh Vũ, sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) bị áp lực khi tốt nghiệp trễ hơn bạn bè cùng lớp do nộp trễ chứng chỉ tiếng Anh. Nam sinh viên chia sẻ: “Sau khi kết thúc chương trình học, các bạn đều đã tìm được nơi thực tập và thậm chí là đã làm nhân viên tại các công ty luật. Trong khi đó mình vẫn chưa hoàn tất chuẩn tiếng Anh đầu ra nên thay vì làm thì mình phải đi học tiếng Anh, điều này gây cho mình áp lực khá lớn”.
“Chúng ta ai cũng muốn mình tự lập, tự chủ tài chính nhưng muốn điều đó thì phải có công việc, bản thân mình lúc đó phải học tiếng Anh đầu ra và còn phải nghĩ là mình nên làm công việc gì”, nam sinh tâm sự.
Tương tự, N.T.T, sinh viên năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng gặp khó khăn trong việc lấy chứng chỉ ngoại ngữ. N.T.T. chia sẻ: “Hiện tại mình vẫn chưa ra trường so với các bạn đồng trang lứa, điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý, các bạn mình đã có công việc hết rồi. Thật sự mà nói thì việc tốt nghiệp không đúng hạn ảnh hưởng tới rất nhiều phương diện trong cuộc sống, từ việc làm, gia đình tới những định hướng mình đã vạch ra”.
Chỉ nhận sinh viên có bằng hoặc chờ bằng tốt nghiệp
Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều sinh viên cầm trong tay tấm bằng cử nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc nên càng khó khăn hơn đối với sinh viên chưa có bằng. N.T.T. bộc bạch: “Mình cũng đi nộp đơn xin việc khá nhiều chỗ nhưng họ đều yêu cầu sinh viên đã ra trường hoặc đang chờ bằng thôi, mình cảm thấy bị áp lực về kinh tế, gia đình cũng hỏi nhiều lắm, cảm thấy hơi tự ti khi nhắc đến chuyện này”.
D.T.N (sinh viên năm 5, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cảm thấy áp lực vì anh chị của mình đều học giỏi và ra trường có việc làm ổn định. Trong khi mình chưa ra trường do làm khóa luận trễ, công việc làm thêm lương cũng thấp, chỉ đủ sống, chi tiêu cho các khoản tiền trọ, xăng xe, sinh hoạt và ăn uống hàng ngày…
T.N nói thêm: “Mình học khối ngành kỹ thuật nên các dự án người ta đều yêu cầu có đầy đủ bằng cấp chứng chỉ mới được vận hành, không chấp nhận sinh viên đợi bằng hoặc chưa ra trường. Gia đình hướng mình đến các công việc văn phòng nhẹ nhàng hơn, lương cao hơn nhưng hiện tại trình độ chưa đáp ứng được”.
“Trong đó áp lực về kinh tế là nhiều nhất, mục đích của việc ra trường là kiếm tiền, muốn chăm sóc cho gia đình thì cũng cần có tiền mới có thể làm được”, T.N chia sẻ.
Các giải pháp vượt qua áp lực
Theo thạc sĩ Lâm Hoàng Đức, giảng viên khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hai loại áp lực mà các sinh viên sẽ chịu nhiều nhất là đồng trang lứa và từ xã hội.
“Xã hội luôn mong đợi bạn sẽ có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp, kiếm tiền nuôi bản thân và phụ giúp gia đình. Các bạn sẽ có những mông lung về nghề nghiệp, định hướng bản thân và nặng nhất là chưa xác định được hình ảnh bản thân trong công việc, ngành nghề mình muốn làm. Những cảm giác mông lung cộng với nỗi sợ người khác có thể giỏi hơn mình tạo cho các bạn áp lực lớn”, thạc sĩ Lâm Hoàng Đức cho hay.
Đưa ra các giải pháp tâm lý, thạc sĩ Đức cho biết những việc có thể làm là đào tạo các bạn kỹ năng quản lý thời gian, quản lý stress, xác định hình ảnh bản thân, định hướng bản thân và cách làm việc, đối mặt với những chuyện còn dang dở của mình. Còn lại nằm ở sự cố gắng, mong muốn thay đổi và phát triển bản thân của các bạn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/sinh-vien-tot-nghiep-muon-cach-de-vuot-qua-ap-luc-185240719230718385.htm