Da cháy nắng có thể từ nhẹ như đỏ ứng da (ứng với bỏng độ 1) đến phồng rộp (ứng với bỏng 2a).
Melanin là sắc tố có vai trò quan trọng nhất với làn da của bạn. Ngoài việc quyết định màu sắc của tóc, mắt và da, melanin còn giúp kháng khuẩn và cân bằng nhiệt độ cơ thể, da sẽ được bảo vệ khỏi tác động của ánh nắng mặt trời, hạn chế nguy cơ gây hại của tia bức xạ; sắc tố này cũng giúp điều tiết quá trình lão hóa, giảm sự mài mòn da.
Melanin hoạt động bằng cách làm sẫm màu làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi không được bảo vệ. Đối với những người có ít sắc tố melanin, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài mà không được bảo vệ có thể khiến các tế bào da bị đỏ, sưng và đau, từ đó xảy ra cháy nắng. Trong vòng vài ngày, cơ thể có thể bắt đầu tự chữa lành bằng cách bong tróc, lột lớp trên cùng của da bị tổn thương, để loại bỏ các tế bào hư hại. Một vết cháy nắng nặng có thể mất vài ngày để chữa lành.
Da bị bong có thể rất dễ bị tổn thương bởi ánh sáng mặt trời trong vài tuần. Các biến chứng phổ biến nhất của cháy nắng là nhiễm trùng thứ phát, vết nám vĩnh viễn và tăng đáng kể nguy cơ ung thư da. Cháy nắng làm tăng tốc độ lão hóa da và là nguyên nhân hàng đầu trong phần lớn các trường hợp ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố da, dạng ung thư da nguy hiểm nhất.
Một số biện pháp tự chăm sóc da cháy nắng
Làm mát, hạ nhiệt: Hạn chế tiếp xúc tối đa với ánh mặt trời cho đến khi các triệu chứng cháy nắng hoàn toàn bị giảm đi. Chườm nước mát, đắp gạc lạnh vùng da bị tổn thương.
Dưỡng ẩm da: Trong khi da vẫn còn ẩm sau khi làm mát, hãy sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ cho vùng da bị bỏng. Gel nha đam cũng có thể làm dịu vết bỏng nhẹ và được cho là an toàn với vùng da bị cháy nắng.
Giảm viêm: Bác sĩ có thể kê toa thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) khi có dấu hiệu viêm, nóng để giảm bớt sự khó chịu và viêm nhiễm. Tiếp tục chườm mát để giảm khó chịu, mặc quần áo rộng rãi, mềm mại, thoáng khí để tránh kích ứng da thêm và tránh ánh nắng mặt trời hoàn toàn cho đến khi vết cháy nắng lành lại.
Bổ sung nước và điện giải: Khi bị cháy nắng da của bạn sẽ bị mất nước. Điều quan trọng là phải bù nước bằng đường uống, bao gồm nước khoáng, nước trái cây và đồ uống thể thao giúp bổ sung chất điện giải, ngay khi da bị tổn thương và kể cả sau khi da của bạn bắt đầu lành lại.
Hạn chế ra ngoài từ 10 giờ đến 16 giờ
Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Các tia UV mạnh nhất trong những giờ này, vì vậy hãy cố gắng sắp xếp các hoạt động ngoài trời vào những thời điểm khác. Nếu không thể, hãy hạn chế thời gian ở ngoài nắng, tìm kiếm bóng râm khi có thể.
Tránh tắm nắng: Làn da rám nắng không làm giảm nguy cơ bị cháy nắng. Vì vậy vẫn phải bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài trời.
Sử dụng kem chống nắng: Sử dụng kem chống nắng, son dưỡng môi chống nước có chỉ số SPF ít nhất là 30, phổ rộng, ngay cả trong những ngày nhiều mây. Các sản phẩm phổ rộng giúp bảo vệ chống lại tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB). Khoảng 30 phút trước khi ra ngoài, hãy thoa đều kem chống nắng lên vùng da sạch và khô. Sử dụng kem chống nắng để che phủ tất cả các bề mặt của vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ngoại trừ mí mắt. Nếu bạn đang sử dụng kem chống nắng dạng xịt, hãy xịt vào tay rồi xoa lên da. Điều này giúp tránh hít phải sản phẩm.
Khi ra ngoài, các vật dụng khác như ô hoặc mũ rộng vành có thể bảo vệ bạn ngoài kem chống nắng. Quần áo sẫm màu giúp bảo vệ tốt hơn. Đeo kính râm khi ở ngoài trời, nên đeo kính râm ôm sát khuôn mặt. Hãy chọn kính râm có khả năng chống tia UVA và UVB…
Khi nào cần đi bác sĩ khám
- Da phồng rộp nghiêm trọng, vết bỏng phồng với diện tích lớn.
- Vết rộp da xuất hiện trên mặt, tay hoặc bộ phận sinh dục.
- Sưng tấy nghiêm trọng vùng da bị cháy nắng.
- Có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như bóng nước có mủ hoặc vệt đỏ.
- Đau nhức vùng da phồng rộp ngày càng tồi tệ hơn, nhức đầu, lú lẫn, buồn nôn, sốt hoặc ớn lạnh.
- Bị đau mắt hoặc thay đổi thị lực.