Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh (Hà Nội) đưa ra một số giải pháp để sử dụng điều hòa hiệu quả trong mùa nắng nóng.
Vào mùa Hè, các gia đình thường sử dụng điều hòa trong thời gian dài, thậm chí bật suốt ngày đêm. Bởi vậy khi trời nắng nóng quá gay gắt, điều hòa cơ (loại không biến tần) có thể bị quá tải và ngừng hoạt động để tự bảo vệ máy.
Đối với loại máy biến tần, điều hòa có thể vẫn hoạt động nhưng tốc độ máy nén giảm, năng suất lạnh giảm, không đảm bảo nhiệt độ làm mát trong nhà.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh (Hà Nội), các “triệu chứng bệnh” của điều hòa có đến từ nhiều nguyên nhân: Phin lọc gió bị bẩn; dàn nóng bị bẩn, gió làm mát bị cản trở; Không đủ gió dàn lạnh và dàn nóng, dàn nóng không lấy được gió mát để giải nhiệt; cửa sổ, cửa ra vào mở hoặc không kín; Tập trung quá nhiều người trong một không gian; có nguồn nhiệt phát ra ở trong phòng; máy bị thừa-thiếu ga do nạp quá nhiều hoặc không đủ…
“Các gia đình có thể tự kiểm tra xem điều hòa nhà mình có thiếu ga hay không bằng cách sờ tay lên mặt dàn ống đồng của dàn nóng, thấy nóng đều là đủ ga. Trường hợp không tiếp cận được dàn nóng, có thể sờ dàn lạnh, nếu thấy dàn lạnh đều là đủ ga (dùng nhiệt kế hồng ngoại sẽ tăng độ chính xác khi kiểm tra.
Thông thường nếu máy được lắp đặt chuẩn thì ga không bị hao hụt cho đến hết tuổi thọ máy (khoảng 15-20 năm), không phải nạp lại.
Trong trường hợp máy thiếu ga, quy trình khắc phục là tìm vị trí rò rỉ ở các mối nối loe, nếu không phát hiện được thì phải tháo dỡ máy để tìm vị trí rò rỉ, hàn kín lại, sau đó phải ráp lại máy, thử chân không, thử kín, hút chân không, nạp dầu, nạp ga lại…,” Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Để máy điều hòa hoạt động hiệu quả, việc lắp đặt theo một quy trình hợp lý đóng vai trò rất quan trọng. “Phòng lắp đặt điều hòa cần phải kín khí; có mái, rèm che nắng, đặc biệt ở các hướng Đông và Tây; vị trí lắp dàn nóng phải thông thoáng, lấy được gió ngoài trời để làm mát…,” Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Lợi cho hay.
Hiện nay, các dòng máy điều hòa đều có giới hạn nhiệt độ ngoài nhà, thường dao động từ 38⁰C đến 53⁰C. Các gia đình khi mua máy lạnh nên chọn loại máy có nhiệt độ ngoài nhà phù hợp với địa phương lắp đặt.
Ngoài ra, để điều hòa hoạt động tốt nhất, các gia đình nên để máy chạy từ 3 đến 4 tiếng, sau đó để máy nghỉ khoảng 1 tiếng và thông gió cho phòng rồi mới tiếp tục bật máy.
Người dùng cũng không cài đặt nhiệt độ trong nhà quá thấp (nhiệt độ cài đặt trong nhà hợp lý là 27 đến 28⁰C). Nếu nhiệt độ và độ ẩm trong phòng qua thấp, sẽ dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, cảm cúm, ho, cảm lạnh. Tăng nhiệt độ trong nhà lên 1⁰C đồng nghĩa với việc tiết kiệm được khoảng 10% điện năng tiêu thụ.
Ngoài ra, người dùng có thể bổ sung thêm quạt đặt ở cửa sổ để lấy gió vào nhà; khi độ ẩm không khí thấp, có thể bố trí thêm mũi phun sương để giảm thêm nhiệt độ…
Các gia đình cũng nên vệ sinh thường xuyên cho máy để giúp điều hòa tiết kiệm năng lượng: Vệ sinh phin lọc không khí trong nhà 2 tuần/lần; vệ sinh dàn nóng và dàn lạnh tổng thể 1 năm/lần – nếu khu vực có nhiều bụi phải vệ sinh 2 hoặc nhiều lần…; trao đổi các vấn đề máy điều hòa gặp phải với thợ bảo dưỡng một cách cụ thể nhất để sớm có biện pháp khắc phục và sửa chữa…/.
Việt Anh (Vietnam+)