Trong các nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo, thúc đẩy quyền con người trên mọi lĩnh vực, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong đảm bảo, thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, với hoạt động của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng, tham gia tích cực đóng góp vào đời sống an sinh xã hội.
Các tổ chức tôn giáo hoạt động đóng góp tích cực
Những năm qua, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa về y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo, góp phần đáng kể vào công tác an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho nhà nước, cụ thể: thành lập trên 500 cơ sở y tế, gần 2.300 trường lớp mầm non, trên 50 cơ sở dạy nghề, 800 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS.
Các tổ chức tôn giáo tích cực đóng góp nguồn lực, chung tay cùng chính quyền trong công tác phòng chống dịch COVID-19, nhiều cơ sở tôn giáo được sử dụng làm khu cách ly và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19; các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đóng góp ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho quỹ vắc xin phòng chống COVID-19.
Hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam ngày càng được mở rộng; hằng năm có nhiều đoàn, tổ chức, cá nhân, tôn giáo tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài.
Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế được tổ chức thành công ở Việt Nam như Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại Lễ Phật Đản Liên hợp quốc Vesak 2019 với trên 3.000 đại biểu chính thức tham dự trong đó có 570 đoàn/1.650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, 250 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và nhiều nguyên thủ các quốc gia tham dự.
Công giáo tổ chức tổng hội dòng đa minh thế giới tại Đồng Nai năm 2019 với sự tham dự của 142 đại biểu quốc tế đến từ 80 quốc gia vùng lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên một dòng tu quốc tế lớn tổ chức Tổng tu hội tại Việt Nam.
Sinh hoạt tôn giáo đa dạng, thuận lợi
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú. Có hơn 58.000 chức sắc, 148.000 chức việc, 29.800 cơ sở thờ tự, trên 50.000 cơ sở tín ngưỡng trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số loại hình tín ngưỡng và di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản thế giới.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển, những khó khăn, thách thức từ môi trường chính trị, xã hội, cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều diễn biến mới, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo tăng lên. Số người tin theo tín ngưỡng, tôn giáo gia tăng.
Việt Nam luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức, cá nhân, tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ngày càng được đảm bảo tốt hơn.
Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo như: thời gian hoạt động để được công nhận của tổ chức tôn giáo giảm từ 23 năm xuống còn 05 năm; năm 2020 đã giải quyết trên môi trường mạng 43 thủ tục đăng ký, công nhận tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo, 18 thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và được theo dõi trên Trang thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ.
Nhà nước Việt Nam bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo.
Hiện nay, các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, tăng 10 tôn giáo với 35 tổ chức so với trước khi ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.Có 1.112 điểm nhóm đã đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, 5.572 người được phong phẩm suy cử làm chức sắc, 12.421 người được bổ nhiệm bầu cử suy cử làm chức việc. Cả nước có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo tại 36 tỉnh, thành phố.
Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo được in ấn, phát hành kinh sách và xuất bản phẩm khác về tôn giáo.Từ năm 2018 đến 2022 đã có 2.777 ấn phẩm với 9.072.790 bản in, trong đó có nhiều xuất bản phẩm được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng dân tộc. Việt Nam hiện có 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động và phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng.
Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng phù hợp với nội quy của trại tạm giam, trại giam, được hướng dẫn cách quản lý kinh sách, sử dụng kinh sách. Đáp ứng nhu cầu sử dụng kinh sách, ấn phẩm tôn giáo của phạm nhân, Việt Nam đã in ấn, xuất bản danh mục 17 đầu sách liên quan tôn giáo với 4.418 cuốn đưa vào sử dụng tại thư viện của 54 trại giam thuộc Bộ Công an.
Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam, tham gia hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài. Hiện có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh, thành phố với hàng trăm người tham gia, trong đó có 41 điểm nhóm ở thành phố Hồ Chí Minh, 13 điểm nhóm ở Hà Nội.