Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo đang kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo: “Người làm giáo dục sẽ hiểu về giáo dục”
Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11 sắp tới. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
Trong đó, Bộ GDĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Điểm mới này nhận được đồng tình của nhiều chuyên gia, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, ông Thiều Văn Nam, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang, cho hay: “Tôi rất đồng tình và ủng hộ khi giao trách nhiệm và quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo vì là người hiểu về giáo dục sẽ đưa ra ý kiến chính xác và khả thi hơn nhiều”.
Theo ông Nam, nếu ngành giáo dục được chủ động thì công tác tuyển dụng giáo viên của các địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng sẽ thuận lợi hơn. Theo quy định hiện hành của Bộ Nội vụ, giáo viên muốn được tuyển dụng vào chỗ nào thì nộp hồ sơ vào chỗ đó. Điều này dẫn đến tình trạng khó có thể tuyển đủ theo nhu cầu. Có trường tuyển một vị trí có nhiều hồ sơ, ngược lại có trường thiếu 2-3 vị trí lại không có hồ sơ nào nộp vào.
Ví dụ tại tỉnh Kiên Giang, ở thành phố Rạch Giá có nhiều giáo viên nộp hồ sơ nhưng biên chế tuyển dụng ít, trong khi đó ở các đảo dù thiếu rất nhiều vị trí nhưng lại không có giáo viên đăng ký nên không tuyển được. Đặc biệt là giáo viên mầm non thiếu rất nhiều nhưng không có nguồn tuyển, một phần do việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu chưa được rõ ràng.
“Nếu điểm mới trên trong dự thảo Luật Nhà giáo được thực thi sẽ giúp ngành giáo dục chủ động hơn trong biên chế thông qua việc tuyển dụng chung sau đó chủ động phân bổ, sắp xếp giáo viên về từng trường sao cho phù hợp, hợp lý hơn hơn với thực tế tại mỗi cơ sở”, ông Nam nói.
“Dự thảo Luật Nhà giáo bước đầu đã tạo được không khí phấn khởi cho hơn 1,6 triệu nhà giáo”
GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An, đại biểu Quốc hội khóa XV cho biết, hàng năm, Sở GDĐT thẩm định kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp từ cơ sở đến cấp huyện, tổng hợp và trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, với thực tế công tác quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay, điều này bộc lộ một số khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch phát triển đội ngũ, tuyển chọn, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, xếp loại, thực hiện chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên.
Cụ thể, bên cạnh chức năng nhiệm vụ của Phòng GDĐT quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP thì chức năng nhiệm vụ của Phòng Nội vụ có quy định Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 là “quản lý nhân sự”, vì vậy hầu hết UBND cấp huyện giao cho phòng Nội vụ chủ trì tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, điều chuyển, bổ nhiệm nhà giáo. Điều này hạn chế vai trò tham mưu của Phòng GDĐT về chuyên môn dẫn đến hiện tượng thừa – thiếu cục bộ; việc bố trí đội ngũ (số lượng, chất lượng, cơ cấu) phụ thuộc trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện; cơ chế thực hiện ở mỗi huyện cũng khác nhau, điều kiện phương tiện, môi trường làm việc cũng khác nhau.
Các văn bản Luật và Nghị định không có quy định thuyên chuyển viên chức giữa các đơn vị trực thuộc; khi điều động viên chức từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu phải điều động biệt phái; viên chức biệt phái hưởng lương ở đơn vị cử đi có bất cập khi giữa các đơn vị có sự chênh lệch về chế độ chính sách (ưu đãi, khu vực, các khoản đóng góp nghĩa vụ ở đơn vị đến…).
Đội ngũ giáo viên các cấp được giao hiện nay còn thiếu so với định mức quy định của Bộ GDĐT; cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp học TH, THCS, THPT do thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một số chế độ chính sách đối với giáo viên thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu tính thống nhất như chế độ trả tiền dạy thừa giờ, tiền chấm bài thừa,… cho giáo viên. Việc tổ chức thi thăng hạng cho giáo viên ở một số huyện chưa kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên.
Từ việc nhìn nhận thực trạng, ông Thái Văn Thành đề xuất cần có Quy hoạch đội ngũ giáo viên bảo đảm đồng bộ, dài hạn; giao trách nhiệm, sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên cho cơ quan quản lý giáo dục; đồng thời đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo.
Kỳ vọng về dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, ông Thái Văn Thành cho rằng, đây sẽ là cơ sở để nâng cao vị trí, vai trò của nhà giáo, tạo động lực để họ yên tâm công tác, có nhiều đóng góp và cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Dự thảo Luật Nhà giáo bước đầu đã tạo được không khí phấn khởi cho hơn 1,6 triệu nhà giáo; nhận được sự đồng thuận ủng hộ của cha mẹ học sinh và nhân dân.
Cùng chung quan điểm, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề nghị giao thẩm quyền cho Sở GDĐT chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vị toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GDĐT.
Việc quản lý nhà nước đối với nhà giáo hiện nay được thực hiện bởi nhiều Luật (Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Lao động…) dẫn đến khó khăn trong quá trình nghiên cứu, triển khai và tổ chức thực hiện ở cơ sở. Một số văn bản không quy định rõ khái niệm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh.
Việc quản lý biên chế còn chồng chéo giữa cơ quan Nội vụ và Giáo dục. Ngành Giáo dục được giao tổng biên chế trong khi thẩm quyền tuyển dụng lại thuộc cơ quan Nội vụ nhưng không chủ động được việc phân bổ, điều động, bố trí sử dụng (tuyển dụng, biệt phái…) biên chế giáo viên, nhất là giáo viên thuộc cấp học THCS, Tiểu học, giáo dục Mầm non để thực hiện nhiệm vụ hằng năm giữa các địa phương trong tỉnh. Ví dụ; Trường Mầm non A thuộc huyện B năm học 2024-2025 thiếu giáo viên, nhưng ngành không thể điều động hay luân chuyển được đội ngũ giáo viên Mầm non của huyện C tăng cường, do thẩm quyền quản lý, cũng như chính sách do phòng GDĐT và UBND huyện C quản lý.
Việc tinh giản biên chế không gắn với các chỉ tiêu như; quy mô tăng dân số, quy mô số trường, số lớp mà thực hiện cắt giảm cơ học là chưa phù hợp. Nhiều cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GDĐT. Hiện nay tỉnh Điện Biên còn thiếu 2008 giáo viên, trong đó: Giáo viên mầm non: 980; giáo viên tiểu học: 533; giáo viên trung học cơ sở: 233; giáo viên trung học phổ thông: 262.
Số lượng cấp phó trong các cơ sở giáo dục quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP đối với các trường chuyên biệt, trường liên cấp, trường có nhiều lớp học, trường có nhiều điểm trường còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý đơn vị như (công tác trực quản lý nội trú, nuôi dưỡng học sinh, phụ trách chuyên môn, cơ sở vật chất, công đoàn, công tác đoàn đội nhà trường theo cấp học liên cấp, phụ trách điểm trường…).
Chưa quy định rõ định mức số lượng công chức thuộc các Phòng GDĐT, do đó, việc bố trí biên chế công chức đối với các Phòng GDĐT phụ thuộc vào chỉ tiêu giao của UBND các huyện, hiện nay trung bình chỉ được bố trí từ 4-7 biên chế, trong khi khối lượng công việc quản lý tại Phòng GDĐT là rất lớn nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn, các địa phương đều phải linh hoạt với các giải pháp trưng tập thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chung.
Luật viên chức 2010 (được sửa đổi năm 2019) quy định hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Khi chuyển công tác ra khỏi vùng này thì phải ký kết lại hợp đồng làm việc xác định thời hạn (không quá 60 tháng), do vậy chưa khuyến khích được viên chức lên công tác và cống hiến cho vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Từ những bất cập đặt ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề xuất, xem xét việc phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương. Trong đó, giao thẩm quyền cho Sở GDĐT chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh, cơ cấu lại tổ chức, tăng số lượng biên chế quản lý nhà nước cho phòng GDĐT cấp huyện; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vị toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GDĐT.
Nguồn: https://danviet.vn/cac-tinh-thanh-ung-ho-giao-quyen-chu-dong-cho-nganh-giao-duc-trong-tuyen-dung-su-dung-nha-giao-20241108061405195.htm