Kiểm soát kỹ tàu cập, rời cảng
Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) là điểm đến của rất đông ngư dân các địa phương miền Trung. Tại đây, mỗi ngày tiếp nhận hàng chục lượt tàu cá cập cảng và xuất bến, với lượng hải sản khoảng 150 tấn/ngày. Chính vì thế, việc quản lý, giám sát sản lượng được cơ quan chức năng thực hiện chặt chẽ.
Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, ông Nguyễn Lại thông tin, đơn vị thường xuyên tuyên truyền các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống khai thác IUU đến từng tàu cá và ngư dân. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra tàu khai thác hải sản trên biển và khi ra vào cảng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, xử phạt các vi phạm về nhật ký khai thác thủy sản và xuất nhập bến, không có giấy tờ theo quy định, không chứng thực sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; đặc biệt là những tàu cá vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài, tàu cá không lắp đặt hoặc không bật thiết bị giám sát hành trình.
Đến nay, có 573/598 tàu cá có chiều lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; đối với 25 tàu chưa lắp đặt, có 17 tàu tạm ngừng hoạt động do thiếu lao động và hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, 6 tàu mới đang làm thủ tục đăng ký,…
Tại Quảng Nam, văn phòng IUU được thành lập gồm 3 lực lượng: Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng và Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và Quản lý Cảng cá Quảng Nam nhằm tra, kiểm soát 24/24 giờ các tàu cập cảng, rời cảng theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thường xuyên tra cứu thông tin tàu cá cập cảng cá trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá quốc gia, cơ sở dữ liệu Vnfishbase, danh sách tàu cá khai thác IUU; kịp thời phát hiện và chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý tàu cá vi phạm.
Theo ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, văn phòng IUU kiểm soát tàu cá theo tỷ lệ được quy định; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
“Từ năm 2020 đến ngày 11/7/2023, đã tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành xử phạt hành chính 439 vụ vi phạm quy định trong hoạt, động khai thác IUU, với tổng số tiền xử phạt hơn 4,7 tỷ đồng”, ông Long nói.
Đối với Quảng Ngãi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Văn Mười cho hay, Sở NN-PTNT hằng năm đã tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lĩnh vực thủy sản, với hơn 700 người tham dự; tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 và chống khai thác IUU,… Biên soạn và in 6.000 tờ gấp về pháp luật thủy sản để phát đến ngư dân; tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, tài liệu cho hơn 3.000 ngư dân,…
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với UBND các xã, phường trên địa bàn khu vực biên giới biển, ngoài tuyên truyền còn vận động chủ tàu, thuyền trưởng viết cam kết không khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Để phục vụ công tác quản lý, tổng số tàu cá của tỉnh được cập nhật số liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia là 4.287 tàu cá, tổng công suất 1.765.282 CV.
“Đến nay (tháng 11/2023), toàn tỉnh có 2.937 tàu đã lắp VMS/3.117 tàu cá có chiều dài 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt VMS, đạt 99,16% trên tổng số tàu đang hoạt động (không tính 155 tàu nằm bờ); còn 25 tàu hoạt động trong và ngoài tỉnh chưa lắp đặt thiết bị”, ông Mười thông tin.
Nhờ rốt ráo theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS, tình hình tàu cá trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép cơ bản được kiểm soát, ngăn chặn.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi không xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Tuy nhiên, đã xảy ra 3 vụ/3 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ (năm 2021: 1 vụ/1 tàu, năm 2022: 2 vụ/2 tàu), nhưng cơ quan chức năng xác minh, điều tra và kết luận không có trường hợp nào vi phạm vùng biển nước ngoài.
Kiểm tra bất ngờ
Một trong những tỉnh có tàu cá lớn nhất cả nước là Bình Định cũng đang có những giải pháp nhằm hướng đến gỡ ‘thẻ vàng’ IUU. Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, ông Trần Văn Phúc chia sẻ, sau khi rà soát, có 375 tàu của tỉnh thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, hàng năm không về địa phương; 72 tàu bán ngoài tỉnh nhưng chủ tàu chưa làm thủ tục sang tên, 8 tàu chủ tàu chuyển nơi cư trú ra ngoài tỉnh.
Địa phương đã ký quy chế phối hợp quản lý tàu cá riêng với các tỉnh phía Nam là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận; quy chế phối hợp quản lý tàu cá chung với 10 tỉnh Miền Trung (từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa). Tổ chức 5 đoàn công tác liên ngành làm việc với các tỉnh phía Nam để phối hợp quản lý tàu cá của tỉnh.
Cùng với đó, tiến hành kiểm tra bất thường 142 tàu cá (62 tàu có chiều dài 15m trở lên; 80 tàu chiều dài từ 12-dưới 15m) về an toàn kỹ thuật và điều kiện đánh bắt thủy sản đối với các tàu cá Bình Định hoạt động và về neo đậu ở Bà Rịa – Vũng Tàu; đề nghị phía Bà Rịa – Vũng Tàu không làm thủ tục xuất bến đánh bắt cá với 18 tàu cá không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Địa phương tổ chức trực hệ thống Trạm bờ 24/24, theo dõi, tiếp nhận thông tin, phát hiện và xử lý tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.
Hàng tuần, đơn vị sẽ cập nhật danh sách tàu cá tỉnh Bình Định có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp, gửi thông báo và đề nghị Sở NN-PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển phối hợp tăng cường phòng chống khai thác IUU.
Công Sáng – Diễm Phúc