Chỉ số PCI của ĐBSCL biến động mạnh
Theo Ban Pháp chế VCCI, kết quả PCI năm 2023, khu vực ĐBSCL có 8 tỉnh, thành phố nằm trong top 30 tỉnh, thành cả nước có chất lượng điều hành tốt nhất và là khu vực có điểm số PCI 2023 cao thứ ba cả nước.
Các doanh nghiệp đánh giá cao các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL về thiết chế pháp lý, sự năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền, cũng như gia nhập thị trường, cải cách hành chính, tiếp cận đất đai; gánh nặng chi phí không chính thức thấp nhất so với các khu vực khác.
Đáng chú ý trong Top 10 tỉnh thành dẫn đầu về chỉ số PCI, riêng khu vực ĐBSCL có sự góp mặt của 4 tỉnh gồm Long An, Đồng Tháp, Bến Tre và Hậu Giang, tăng gấp đôi so với bảng xếp hạng PCI năm 2022.
Đặc biệt, tỉnh Long An từ vị trí thứ 10 trong năm 2022 đã bứt phá mạnh mẽ lên vị trí Á quân trong năm 2023 với 70,94 điểm. Hai nhân tố mới xuất hiện trong Top 10 PCI năm nay đều đến từ ĐBSCL gồm: Bến Tre xếp thứ 7 với 69,20 điểm, tăng 6 bậc so với năm ngoái và Hậu Giang xếp thứ 9 với 69,17 điểm tăng 3 bậc so với năm 2022.
Nhiều giải pháp quyết liệt
Năm 2023, PCI của TP Cần Thơ xếp hạng 14/63 tỉnh, thành, 5/13 trong vùng ĐBSCL. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, vừa ban hành kế hoạch “Hành động thực hiện cải thiện PCI TP Cần Thơ năm 2024 và những năm tiếp theo”.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Cần Thơ, phấn đấu điểm PCI hàng năm tăng từ 1-2 điểm, cải thiện vị trí xếp hạng PCI và đạt kết quả xếp hạng “Nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt”.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các cấp cần chủ động đổi mới phương pháp làm việc, tập trung nghiên cứu và triển khai hiệu quả các giải pháp cải thiện PCI, đặc biệt là các giải pháp liên quan đến thủ tục hành chính, minh bạch thông tin và hỗ trợ DN.
Đồng thời, ông Trần Việt Trường cũng giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành cải thiện các chỉ số thành phần. Đơn cử như Sở KH-ĐT được giao cải thiện chỉ số thành phần “chi phí gia nhập thị trường”; Sở Tài nguyên và Môi trường cải thiện “chỉ số tiếp cận đất đai”; chỉ số “cạnh tranh bình đẳng” được giao cho Sở Nội vụ, Sở Công thương, Cục Thuế TP…
Trong khi đó, nhân tố mới trong bảng Top 10 – tỉnh Bến Tre xếp vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng cũng đã triển khai nhiều giải pháp nỗ lực cải thiện từng chỉ số thành phần, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, chính quyền kiến tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp, hàng năm, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương.
Hiện các ngành, địa phương đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; tập trung đào tạo nhân lực khoa học công nghệ, chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho nhà đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; coi trọng việc xúc tiến đầu tư tại chỗ để tạo sự hấp dẫn, lôi kéo, mời gọi các nhà đầu tư mới.
Theo VCCI, tỉnh Vĩnh Long đã có sự nỗ lực cải thiện trong chất lượng điều hành qua 8 chỉ số thành phần, cải thiện về điểm số so với năm 2022 như: tính minh bạch, gia nhập thị trường, chi phí không chính thức…
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể từng ngành, đơn vị, địa phương nhằm cải thiện thứ hạng các chỉ số thành phần của PCI trong thời gian tới. Điều quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, tăng tiện ích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp…
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/cac-tinh-dong-bang-song-cuu-long-no-luc-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh.html