Những ngày này, chúng tôi tìm đến những lò bánh, tiệm bánh trung thu vốn rất quen thuộc với người dân TP.HCM hỏi thăm về tình hình buôn bán năm nay.
Tiệm bánh truyền thống Chợ Lớn lần đầu bán món mới
Còn gần 1 tháng mới tới trung thu, nhưng tiệm bánh Phương Diêm Thuận của gia đình anh Phương Triển Phong (45 tuổi) có tiếng ở Chợ Lớn đã nhộn nhịp khách tới mua, hàng chục nhân viên tất bật. Tiệm bài trí bắt mắt thu hút sự chú ý của nhiều người đi qua đường Phạm Phú Thứ (Q.6).
Anh Phong tâm sự năm nay, khách tới mua bánh sớm hơn 1 – 2 tuần so với mọi năm, thời điểm này, tiệm đã gấp rút chuẩn bị, phục vụ cho nhu cầu tăng cao của khách. Mỗi năm, cứ vào dịp trung thu, lò bánh của gia đình anh mở cửa phục vụ trong 2 tháng. Tuy nhiên trước đó, các thành viên trong gia đình, nhân viên đã dành 3 – 4 tháng để chuẩn bị.
Theo lời anh chủ, năm nay giá bánh trung thu ở tiệm có tăng đôi chút, khoảng 5% do nguyên liệu đầu vào tăng cao và thuê nhân công gặp khó khăn. Mỗi phần bánh ở tiệm giá dao động từ 75.000 – 250.000 đồng tùy loại, kích cỡ. Đặc biệt nhất là phần bánh trung thu 780.000 đồng. Trong đó, tiệm có bán nhiều set quà với các mức giá khác nhau phù hợp để khách đem biếu, tặng.
Đưa chúng tôi menu, bảng giá bánh trung thu năm nay, anh chủ cho biết tiệm bán 18 loại bánh trung thu khác nhau. Trong đó, bánh có nhân khóm dứa và môn dứa – hạt sen là “best seller” của tiệm, được khách ủng hộ nhiều nhất, bên cạnh những bánh trung thu nhân truyền thống khác như đậu xanh, hạt sen, thập cẩm.
“Lần đầu tiên, chúng tôi bán thêm món bánh trung thu thập cẩm sò điệp xốt XO. Với những tiệm bánh truyền thống như chúng tôi, để bán một món mới phải cân nhắc rất kỹ lưỡng nhiều yếu tố. Chúng tôi cũng phải khảo sát để phù hợp với khẩu vị của khách. Thường khách tới mua đều chuộng vị truyền thống hơn”, anh chủ bày tỏ.
Không phải ai cũng biết, tiệm bánh trung thu này có tiền thân là tiệm bán bánh bánh Tây (bánh cookie, bánh ngọt…) do cha của anh Phong, ông Phương Diêm Thuận thành lập trước 1975.
Từ năm 1987, tiệm bắt đầu chuyển sang làm bánh trung thu với phong vị của người Triều Châu. Gia đình anh học nghề bánh trung thu cũng từ một lò bánh nổi tiếng khi xưa ở Chợ Lớn nhưng bây giờ đã không còn nữa. Ông Thuận có 10 người con, 3 người đã sống ở nước ngoài nên tiệm bánh hiện tại do những người con khác của ông kế thừa, do anh Phong, là con trai út quản lý chính.
Trong khi đó, lò bánh trung thu Đông Hưng Viên nằm trên đường Bãi Sậy (Q.6) thời điểm này cũng đã rộn ràng không khí trung thu. Phía lò bánh cho biết năm nay, khách có nhu cầu mua bánh sớm hơn mọi năm.
“Năm nay chúng tôi có tăng giá một chút do nguyên liệu đầu vào tăng. Đã 2 năm liền chúng tôi giữ giá, chỉ có năm nay phải tăng vài ngàn đồng”, lò bánh cho biết. Mỗi set bánh có giá từ 300.000 – 400.000 đồng tùy nhu cầu của khách. Bên cạnh đó, tiệm bán hơn 24 loại bánh trung thu khác nhau, với giá dao động từ 66.000 – 205.000 đồng/cái, tùy loại.
Đông Hưng Viên là thương hiệu quen thuộc với người dân từ rất lâu trước năm 1975 cùng với các thương hiệu nay đã không còn nữa như Vĩnh Hưng Tường, Tân Tân, Long Xương, Đại Chúng… Tuy nhiên, sau năm 1975, người chủ tiệm của Đông Hưng Viên đã sang Mỹ. Hai thợ làm bánh chính của tiệm này, một người là ông Bốc Mỹ Nguyên đã ra nước ngoài sinh sống, một người ở lại (đã qua đời).
Thợ bánh chính của Đông Hưng Viên ở Sài Gòn (hoạt động từ 1975) hiện nay là anh Nguyễn Văn Hùng, học nghề từ ông Bốc Mỹ Nguyên, cũng như tiệm Đông Hưng Viên ở đây không còn liên quan đến người chủ của thương hiệu Đông Hưng Viên bên Mỹ.
Nhiều set quà độc đáo
Nhà hàng – cà phê RuNam d’Or (Q.1, TP.HCM) những ngày này ngập tràn không khí trung thu khi khách vừa bước vào trong đã thấy một quầy trưng bày những set quà trung thu độc đáo, bắt mắt.
Năm nay, các set quà tặng bánh trung thu RuNam lấy cảm hứng từ những lời ru, chuyện kể ngày xưa của Việt Nam, mỗi món quà là một thông điệp để người nhận tự do khám phá. Sản phẩm chủ đạo trong bộ quà tặng là Tủ Sân Khấu.
Cấu trúc hộp quà đã được RuNam nghiên cứu và ra mắt từ năm 2020, lấy ý tưởng từ sự kết hợp giữa một sản phẩm nội thất và hộp bánh trung thu. Đến nay, Tủ Sân Khấu đã có 5 năm phát triển và truyền tải nhiều chủ đề khác nhau như: lễ hội, kiến trúc hay sân khấu kịch nghệ.
Anh Timothée Rousselin, là quản lý nhà hàng cho biết năm nay, Tủ Sân Khấu được thực hiện theo phong cách Art Nouveau (phong cách nghệ thuật ứng dụng phổ biến vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX). Bên cạnh đó, nhiều set quà khác lấy cảm hứng từ ánh trăng, lồng đèn mang đậm sắc màu trung thu.
Những hộp quà bánh trung thu ở đây có giá dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng, tùy nhu cầu của khách. Trong đó, set quà đặc biệt nhất có giá khoảng 3,2 triệu đồng, theo chia sẻ của quản lý RuNam d’Or.
Mỗi năm, chị Thanh Thảo (24 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) thường mua những set quà trung thu truyền thống để biếu tặng. Năm nay, chị quyết định mua set sáng tạo hơn, khi vô tình nhìn thấy bộ quà tặng sáng tạo của RuNam trên mạng xã hội.
“Mình đã nghiên cứu và dự định đặt mua một set quà trong tầm giá dưới 1 triệu đồng, cũng đã chọn được. Cuối tuần này mình dự định cùng bạn bè đến đây uống nước, sẵn mua mang về luôn. Đến trực tiếp mua thì cảm nhận rõ hơn”, chị cho biết.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cac-tiem-banh-trung-thu-nuc-tieng-tphcm-nam-nay-co-gi-la-185240814102338608.htm