Trong những tháng qua, các thương hiệu thực phẩm và tiêu dùng của Mỹ, từ Starbucks đến McDonald’s, đã trở thành mục tiêu ở một số quốc gia Đông Nam Á có đa số dân theo đạo Hồi như Malaysia và Indonesia. Người tiêu dùng tại các nước này chỉ trích sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel trong cuộc chiến với lực lượng Hamas ở Dải Gaza.
Nikkei Asia ngày 2.5 đưa tin công ty vận hành chuỗi đồ ăn nhanh KFC ở Malaysia đã tạm thời ngừng kinh doanh tại hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc, trong khi công ty đứng sau chuỗi cà phê Starbucks ở Indonesia báo cáo lỗ ròng trong quý 1 năm nay.
Cảnh sát xông vào Đại học Columbia dẹp biểu tình ủng hộ Palestine
QSR Brands, doanh nghiệp đứng sau KFC tại Malaysia, tuần này tiết lộ rằng họ đã tạm thời đóng cửa một số cửa hàng để ứng phó với “tình hình kinh tế đầy thách thức”. Trong một tuyên bố, công ty cho biết họ đã thực hiện các biện pháp chủ động, và nhân viên tại các cửa hàng bị ảnh hưởng có thể đến làm việc tại các cửa hàng vẫn đang hoạt động.
“Là công ty đã phục vụ người dân Malaysia trong hơn 50 năm, trọng tâm của chúng tôi vẫn là cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cho khách hàng, đồng thời đóng góp tích cực cho nền kinh tế Malaysia bằng cách đảm bảo việc làm cho 18.000 nhân viên công ty ở Malaysia, trong đó khoảng 85% là người theo đạo Hồi”, tuyên bố cho hay.
Theo tường thuật trên tờ báo địa phương Nanyang Siang Pau hôm 30.4, tổng cộng 108 cửa hàng KFC tại Malaysia đã tạm thời ngừng hoạt động. QSR có khoảng 600 cửa hàng KFC tại quốc gia này.
MAP Boga Adiperkasa, công ty vận hành Starbucks ở Indonesia, hôm 29.4 đã công bố khoản lỗ ròng 22,2 tỉ rupiah (1,37 triệu USD) trong ba tháng đầu năm nay (công ty từng ghi nhận mức lãi ròng 13,6 tỉ rupiah trong quý 1 năm 2023). Doanh thu giảm 17,6 % so với một năm trước đó, xuống còn 787 tỉ rupiah.
Kể từ khi ra mắt cơ sở đầu tiên tại Indonesia vào năm 2002, công ty đã từng bước gia tăng số lượng cửa hàng Starbucks trên toàn quốc và sở hữu hơn 500 cửa hàng vào năm 2023.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là nơi có số lượng tín đồ Hồi giáo nhiều nhất thế giới. Nhìn chung, công chúng Indonesia thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine như lâu nay, trong khi Tổng thống Joko Widodo liên tục lên án hành động của Israel ở Gaza.
Ứng viên tổng thống Mỹ bị bắt trong cuộc biểu tình phản đối xung đột Gaza
Trước đó, Starbucks ở Malaysia đã ghi nhận doanh thu giảm 38,2%, xuống còn 182,55 triệu ringgit (38,7 triệu USD) trong quý 4 năm 2023, theo báo cáo tài chính của nhà điều hành Berjaya Food. Công ty giải thích doanh thu giảm chủ yếu là do “cuộc tẩy chay đang diễn ra” liên quan đến xung đột giữa Hamas và Israel.
Trong bối cảnh tương lai cuộc chiến vẫn bất định, các thương hiệu tiêu dùng của Mỹ đang duy trì quan điểm thận trọng về tác động của chiến sự đối với hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian tới.
“Nếu bạn nhìn vào tác động của một số cuộc tẩy chay ở một số thị trường của chúng tôi, tôi sẽ không nói rằng mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn ở đó”, Tổng giám đốc McDonald’s Chris Kempczinski cho biết hôm 30.4, theo dịch vụ thông tin tài chính Seeking Alpha. Song ông cũng “không mong đợi sẽ thấy bất kỳ sự cải thiện có ý nghĩa nào về tác động đối với vấn đề đó cho đến khi chiến sự kết thúc”.
Theo báo chí Mỹ, ông Kempczinski trước đó cho hay McDonald’s đang chứng kiến tác động rõ rệt nhất ở Trung Đông và “một số tác động ở các quốc gia Hồi giáo khác như Malaysia, Indonesia”.