GĐXH – Nhiều người thường vứt bỏ thực phẩm khi chúng bắt đầu mọc mầm vì cho rằng không ăn được do đã hỏng. Ngược lại, chúng lại có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều, đem làm món ăn cực tốt cho tiêu hóa, giúp hạ đường huyết.
Tỏi mọc mầm
Thấy tỏi mọc mầm đừng vội vứt đi vì nghĩ là có hại cho sức khỏe. Ngược lại, tỏi mọc mầm được chứng minh có hàm lượng chất dinh dưỡng cao gấp đôi với tỏi thường. Chúng có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn so với tỏi tươi. Khi dùng giúp chống ung thư, làm chậm quá trình lão hóa. Trong tỏi mọc mầm có allicin tác dụng kháng khuẩn, kháng virus và tăng cường hệ miễn dịch.
Các bà nội trợ có thể dùng tỏi mọc mầm để chế biến cùng rau vừa bổ dưỡng vừa tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ăn, tốt cho tiêu hóa.
Rau, đậu nảy mầm
Trong mâm cơm người Việt cũng hay có những món quen thuộc như giá đỗ, rau mầm. Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, quá trình nảy mầm giúp tăng lên đáng kể hàm lượng vitamin, canxi, chất xơ, magie, phốt pho, mangan, vitamin C và K hơn so với trước lúc chưa nảy mầm. Thực phẩm làm từ đậu nảy mầm như đậu phụ, sữa đậu nành… có nhiều protein hơn 7 – 13%, ít chất béo hơn 12 – 24%… so với đậu phụ, sữa đậu nành làm từ đậu nành chưa nảy mầm.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, nội tiết – đái tháo đường TS.BS Trần Bá Thoại, rau mầm tuy lượng calo thấp, nhưng lại chứa các hợp chất thực vật có lợi, tốt cho sức khỏe. Quá trình nảy mầm của các loại đậu nảy mầm tăng đáng kể.
Những người mắc bệnh tiểu đường có thể thấy rằng ăn rau mầm giúp họ ổn định đường huyết hiệu quả hơn, làm giảm lượng đường trong máu. Một nghiên cứu đã theo dõi một nhóm nhỏ người mắc bệnh tiểu đường type 2. Sau 8 tuần, nhóm ăn rau mầm đã giảm 10% nồng độ hemoglobin A1c hơn so với nhóm ăn bình thường.
Từ rau nảy mầm, bạn có thể chế biến làm nhiều món ăn ngon khác nhau để thay đổi khẩu vị cho gia đình. Các món ăn từ rau mầm có thể làm như: salad, nộm rau mầm, rau mầm xào với thịt bò hay xào tôm…
Gạo lứt
Gạo mầm có giá trị dinh dưỡng tốt hơn gạo thông thường vì được chứng minh giàu vitamin B protein, chất xơ, magie, kali, kẽm… Chúng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp, giảm cholesterol, giúp tăng cường và nâng cao chất lượng sức khỏe.
Gạo lứt nảy mầm có chứa hàm lượng chất GABA cao gấp 10 lần so với gạo trắng và gấp 2 lần so với gạo lứt. Chất này đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm huyết áp, giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện giấc ngủ. Khi gạo lứt nảy mầm, kích hoạt nhiều enzyme có lợi làm tăng giá trị dinh dưỡng. Các chất dinh dưỡng trong gạo lứt trở nên dễ tiêu hóa hơn.
Ngoài ra gạo lứt có chỉ số đường huyết thấp, có nghĩa là nó sẽ được tiêu hóa chậm và ít làm ảnh hưởng đến việc gia tăng lượng đường trong máu. Gạo lứt chứa axit phytic, chất xơ và các polyphenol thiết yếu giúp giải phóng đường chậm hơn và giữ cho chúng ta khỏe mạnh.
Đậu tương
Đậu tương là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng, nhưng lại chứa những chất không tốt mà khi chúng ta nạp vào cơ thể quá nhiều sẽ trở nên gây hại. Đậu tương khi nảy mầm, những chất độc này sẽ không những bị phân giải mà hàm lượng chất dinh dưỡng còn tăng lên đến gấp 2 lần so với bình thường.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cac-thuc-pham-nay-mam-dung-voi-vut-di-dem-lam-mon-an-lai-cuc-tot-cho-tieu-hoa-va-giup-ha-duong-huyet-172241130143640663.htm