Tác giả Minh Phúc – Báo Nông nghiệp Việt Nam với Tác phẩm: Loạt 5 bài: Tràn lan vacxin, Thuốc thú y lậu Chi hội Nhà đạt Giải B, Giải Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in):
Một đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể không có nguồn thực phẩm an toàn
Ngành chăn nuôi nước ta đã trải qua những đại dịch lớn, đặc biệt là đại dịch cúm gia cầm với chủng cúm A/H5N1. Kể từ khi xuất hiện từ cuối năm 2013, Việt Nam đã có 106 trường hợp được xác định nhiễm cúm A/H5N1 trên người, trong đó 52 ca tử vong.
Các dịch hại nguy hiểm khác trên gia súc như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục…hàng năm gây thiệt hại cho người chăn nuôi hàng nghìn tỷ đồng. Một đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể không có nguồn thực phẩm an toàn. Bởi đây là yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam. Và muốn có ngành chăn nuôi an toàn sinh học thì việc kiểm soát vật tư, thuốc thú y đầu vào vô cùng quan trọng.
Đầu năm 2022, tôi quyết định xóa sạch thông tin cá nhân trên Zalo để đăng hình ảnh, bài viết về chăn gà, nuôi lợn. Nhiều người bạn tôi quen khá sững sờ. Có người đặt mua vài con gà quê để thưởng thức. Đó cũng là thời điểm tôi khởi động hành trình điều tra vấn nạn mua bán vacxin, thuốc thú y, kháng sinh nguyên liệu nhập lậu trên thị trường.
Để bản thân trở nên bụi bặm, giống như những lần nhập vai trước đó để thực hiện các loạt bài điều tra về “tim lợn đông lạnh siêu bẩn” tại các chợ đầu mối tại thủ đô Hà Nội; “Rợn tóc gáy” công nghệ chế mỡ bẩn; thâm nhập hàng loạt thủ phủ hàng rởm;… tôi nuôi mái tóc xoăn rễ tre xõa kín trán, râu ria cả tuần không cạo tỉa và tích cực phơi nắng cho da ngả màu. Khi khoác lên người chiếc áo cũ rích và quần bò chằng chịt vết xước, tôi đã thực sự trở thành anh chàng nhà quê.
Với ngoại hình đó, tôi phóng xe máy lân la đến các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm trọng điểm của Hà Nội như Ba Vì, Ứng Hòa (Hà Nội) để… mua vacxin lậu. Đó cũng là tựa đề trong bài viết đầu tiên của loạt bài điều tra “Tràn lan thuốc thú y lậu” (Bài 1: Tôi đi mua vacxin lậu). Những đối tượng kinh doanh, chủ trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất, cung ứng giống mua bán, sử dụng vacxin, thuốc thú y, kháng sinh nguyên liệu trái phép tại Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội cũng đã được camera giấu kín của phóng viên ghi lại chân thực.
Họ thừa nhận đó là vacxin do nước ngoài sản xuất và thẩm lậu qua biên giới theo đường “xách tay”. Chứng kiến cận cảnh hàng nghìn con gà, vịt giống chỉ vài ngày tuổi bị tiêm vacxin không rõ nguồn gốc, không được kiểm chứng chất lượng, tôi thực sự bàng hoàng.
Loạt bài điều tra Tràn lan vacxin, Thuốc thú y lậu đã chỉ ra một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc buông lỏng quản lý hoạt động mua bán, sử dụng thuốc thú y thời gian vừa qua do hệ thống thú y bị đứt gãy, thú y viên bị cắt phụ cấp hỗ trợ hoặc sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện.
Thực ra khi làm đề tài điều tra thì không ai nghĩ đến việc tạo ra tác phẩm để đi thi dự giải. Vì điều tra luôn chứa đựng rủi ro, thành công hay thất bại phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khách quan. Nhưng may mắn rằng đề tài điều tra đạt kết quả tốt, được xã hội ghi nhận, đặc biệt là trong số rất nhiều tác phẩm ấn tượng, may mắn rằng tác phẩm của tôi đã được Chi hội Báo Nông nghiệp Việt Nam lựa chọn để tham gia Giải và được Hội đồng đánh giá cao. Đây là vinh dự rất lớn và niềm tự hào cho cá nhân tôi.
Tác giả Nguyễn Văn Hải (Thiện Văn) – Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân với Loạt 4 bài: Phòng, chống tham nhũng chính sách – Vấn đề hệ trọng, cấp bách hiện nay đạt Giải C Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in):
Tạo sức mạnh dư luận xã hội trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Từ cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, dư luận phản ánh khá nhiều về tình trạng sơ hở, cục bộ, “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhận thấy tham nhũng chính sách là vấn đề nhức nhối và được dư luận xã hội rất quan tâm, tôi xây dựng đề cương loạt bài phỏng vấn với tiêu đề: “Phòng, chống tham nhũng chính sách-Vấn đề hệ trọng cấp bách hiện nay”.
Tôi đã thực hiện phỏng vấn 4 chuyên gia, gồm: Thiếu tướng, TS Luật học Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội khóa XIV, nguyên Phó chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; ThS Luật học Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV; TS Luật học Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp; PGS,TS Vũ Công Giao, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thông qua ý kiến phân tích, phản biện sâu sắc của các chuyên gia (dưới góc nhìn tư pháp, lập pháp, hành pháp, khoa học), loạt bài góp phần làm sáng tỏ những biểu hiện lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật; cảnh báo nghiêm khắc những hệ lụy tiêu cực mà nó gây ra; mổ xẻ nguyên nhân khách quan và chủ quan; đồng thời đề xuất, hiến kế các giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ tham nhũng chính sách ở nước ta hiện nay.
Đây là lần đầu tiên trên công luận đăng loạt bài phỏng vấn chuyên sâu về tham nhũng chính sách – một vấn đề hệ trọng, cấp bách hiện nay, qua đó góp phần tạo sức mạnh dư luận xã hội trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Ý kiến phỏng vấn của các chuyên gia cũng là một kênh thông tin tham khảo hữu ích đối với các thành viên Ban soạn thảo xây dựng dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”.
Tôi rất vui vì cảm thấy công sức lao động của mình đã được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia ghi nhận, tôn vinh. Nhưng ý nghĩa hơn là thông qua loạt bài này, chúng tôi muốn góp thêm một tiếng nói phản biện nghiêm túc, khoa học để các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm có thêm nguồn thông tin tham khảo thiết thực, hữu ích để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp, không để tạo ra “lỗ hổng” ngay từ khâu xây dựng chính sách nhằm tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi để góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của đất nước phát triển lành mạnh, bền vững.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa – Ban Thời sự, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam với Tác phẩm: Vượt qua cơn binh lửa đạt Giải A Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (Phát thanh):
Người Việt Nam sẽ luôn chung tay chia sẻ, hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau
Tác phẩm “Vượt qua cơn binh lửa” ghi lại câu chuyện của người Việt tai Ukraine phải sơ tán khỏi đất nước Ukraine khi chiến sự nổ ra. Lúc đó dịch Covid 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cuộc vượt qua binh lửa của bà con người Việt đang sinh sống tại Ukraine cùng hàng triệu người dân Ukraine rất gian nan, có rất nhiều câu chuyện xúc động trong hành trình đó. Ngay tại thời điểm này, Trưởng Ban Thời sự đã giao nhiệm vụ cho nhóm phóng viên chúng tôi cùng với 2 phóng viên thường trú của ĐTNVN tại Pháp tới biên giới Ba Lan và phóng viên thường trú tại Séc tới biên giới của Rumani để đón bà con người Việt sơ tán sang các nước đó; một số chuyển tiếp sang nước thứ 3 hoặc trở về Việt Nam.
Hai phóng viên thường trú tại Pháp và Séc đã có mặt ghi lại những câu chuyện rất xúc động trong hành tình vượt qua cơn binh lửa của bà con người Việt. Họ đã sinh sống tại Ukraine từ rất lâu, có những người phải rời xa người thân – đó là những gia đình có con trai đi nghĩa vụ phải ở lại. Tài sản tích góp trong nhiều năm phải bỏ lại hết, thậm chí không mang được tiền. Bởi vì khi trong lúc bom đạn như thế, việc đầu tiên là phải giữ được tính mạng của mình.
Khi có sự phối hợp giữa 2 thường trú ở Ba Lan và Rumani, và chúng tôi ở đây – những người trực tiếp lên ý tưởng, kịch bản, kế hoạch kết nối giữa các đầu mối làm sao xây dựng những câu chuyện thành một tác phẩm hoàn chỉnh và xuyên suốt, có cốt chuyện là rất khó. Trong khi đó, chỉ có 3 tuần để phát sóng – đây là thời gian không tưởng khiến tôi vô cùng hoang mang. Múi giờ cách nhau giữa các quốc gia là 6-7 tiếng và chỉ có thể trao đổi qua mạng internet, một số tiểu tiết, hay nhân vật còn thiếu chúng tôi phải đi liên hệ lại nhưng trong vài trường hợp, khi đó họ đã không còn ở nơi ấy nữa.
Thời điểm đó, ngoài dịch Covid 19, thời tiết cũng rất khắc nghiệt, bắt đầu bước sang mùa xuân nhưng vẫn rất lạnh, tuyết rơi dày đặc, không có phương tiện đi lại, việc di tản diễn ra rất khó khăn.
Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán các nước đã có nhiều hành động rất kịp thời để hỗ trợ bà con. Cùng với đó là tinh thần lá lành đùm lá rách của người dân Việt Nam ở các nước như Rumani, Ba Lan, Slovakia đã tương trợ rất nhiều. Cho thấy tinh thần đoàn kết dân tộc trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, người Việt Nam sẽ luôn chung tay chia sẻ, hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau – đó cũng chính là thông điệp của tác phẩm “Vượt qua cơn binh lửa”.
Đất nước Việt Nam đã trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, người dân Việt Nam hơn ai hết hiểu rất rõ sự mất mát, đau thương của chiến tranh là như thế nào, vì thế chúng ta luôn khát khao hoà bình được trở lại ở Ukraine cũng như ở các vùng chiến sự trên khắp thế giới.
Phan Hoà Giang (ghi)