Nếu trước đây các sao Hàn qua Thái Lan, Singapore, Hong Kong… làm tour và tổ chức fan meeting mà không đáp xuống Việt Nam thì gần đây tình hình đã khác.
Tour diễn của BlackPink hồi cuối tháng 7 ở Việt Nam được đánh giá như một cú hích lớn mang thêm những vị “khách sộp” khác tới.
Việt Nam – “gà đẻ trứng vàng” mới?
Sau DElight Party của hai thành viên nhóm nhạc Super Junior Dong-hae và Eun-hyuk hồi tháng 9, Wow K-music Festival với dàn nghệ sĩ K-pop nổi tiếng: Super Junior – L.S.S, Chanyeol của EXO, Yugyeom của AOMG & Got 7… sắp đổ bộ tới TP.HCM.
Trong tháng 10, fan Việt cũng đứng ngồi không yên với fan meeting của Lee Yong Suk – diễn viên hạng A – lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.
Chưa kể tại sân khấu HAY Fest 2023 cuối tháng 9, nhóm hip hop nổi tiếng Hàn Quốc Epik High cũng hứa hẹn năm 2024 sẽ mang tour sang Việt Nam.
Nguyễn Hà My (sinh năm 1995, Hà Nội) kỳ vọng sắp tới các ngôi sao Hàn Quốc mà cô thích sẽ “đến Việt Nam như đi chợ”.
Cô sẽ không phải bay sang Thái Lan, Singapore để “đu” idol.
Nếu trước đây, hoạt động của đa số sao Hàn sang Việt Nam mới dừng lại ở các sự kiện giao lưu văn hóa hoặc một số sự kiện nhãn hàng thì gần đây các công ty giải trí đã thực sự đưa “gà” nhà đặt chân vào thị trường Việt Nam để thu lợi.
Đại diện fanpage Lee Jong Suk Vietnam – cộng đồng hâm mộ lên tới 320.000 người – chia sẻ với Tuổi Trẻ:
Các fan Lee Jong Suk rất “vui vì fan Việt sẽ không còn phải ghen tị với bên ngoài nữa. Rồi sẽ ngày càng có nhiều nghệ sĩ quốc tế lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho các hoạt động biểu diễn, sự kiện có quy mô lớn. Điều đó chứng tỏ đây là một thị trường hấp dẫn”.
Trong một phân tích của Cơ quan Xúc tiến thương mại – đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) vào năm ngoái, theo dữ liệu của Statista, Việt Nam đứng thứ 8 về mức chi tiêu hằng tháng cho K-pop trên thế giới và đứng thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á.
Theo đó, nhiều người Việt Nam chi trung bình 9,3 USD mỗi tháng cho K-pop. Một số yếu tố cho thấy Việt Nam đang thực sự là thị trường tiềm năng: số người xem YouTube tại Việt Nam xếp thứ 9 thế giới mà phần lớn liên quan đến âm nhạc, số người tiêu thụ các sản phẩm giải trí trẻ; thể loại âm nhạc được giới trẻ Việt ưa thích không ngừng thay đổi; phong cách, âm nhạc, MV của không ít nghệ sĩ Việt chịu ảnh hưởng K-pop.
Cơ hội và thách thức
Ông Hoàng Linh – đồng sáng lập Công ty giải trí The Bros, đơn vị tổ chức HAY Fest – cho rằng: “Chúng ta đã không còn nằm ngoài vùng phủ sóng các tour diễn vòng quanh thế giới của các sao quốc tế, trong đó có sao lớn Hàn Quốc”.
Không chỉ khán giả Việt mà khán giả quốc tế khắp nơi cũng sẽ đổ về Việt Nam. Đại diện The Bros cho biết việc các sao lớn đến Việt Nam biểu diễn mang đến rất nhiều lợi ích về mặt thương mại, kinh tế, du lịch, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật giải trí trong nước, tiệm cận với thế giới.
Tuy nhiên, ông Linh nhìn nhận đây sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức cho công nghiệp văn hóa của Việt Nam và thị trường giải trí Việt Nam vốn còn khá non trẻ.
Trong đó có cả việc làm sao để giữ gìn bản sắc Việt, hòa nhập không hòa tan. “Cũng là động lực buộc các nhà tổ chức trong nước phải học hỏi, nâng cao chất lượng, hình thành cách thức vận hành chuyên nghiệp giúp toàn ngành đi lên”, ông bày tỏ.
Cách đây không lâu, chia sẻ tại hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” (do Cục Hợp tác quốc tế phối hợp với Netflix tổ chức) ở Hà Nội, giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Seung Jin cho rằng giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều tương đồng, trong đó có văn hóa:
“Tôi nghĩ một số kinh nghiệm phát triển của ngành công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc là điều mà Việt Nam có thể học hỏi được”.
Ngoài 30 trung tâm Hàn Quốc trên khắp thế giới để quảng bá văn hóa Hàn ra nước ngoài, Hàn Quốc cũng thành lập cơ quan nội dung sáng tạo thực hiện phát triển quảng bá nội dung về văn hóa Hàn ở nhiều nơi trên thế giới với từng hạng mục riêng biệt.
Đồng thời ban hành nhiều chính sách phát triển nội dung văn hóa như bồi dưỡng nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên môn.
Hàn Quốc còn xây dựng cơ chế hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp để hỗ trợ những người hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa này.
“Trường học và doanh nghiệp xây dựng một chương trình đào tạo kết hợp. Doanh nghiệp cung cấp cơ hội thực tập và chính phủ hỗ trợ chi phí lương trong năm đó”, ông Choi Seung Jin kể về cách Hàn Quốc đào tạo lực lượng có chuyên môn.
Với các start-up gặp khó khăn giai đoạn đầu, Hàn Quốc xây dựng hệ thống xác định quá trình phát triển doanh nghiệp theo từng giai đoạn, qua đó đề xuất chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp sinh tồn để phát triển không bị gián đoạn.
Chính phủ cũng vận hành nhiều chính sách liên quan đến xuất khẩu văn hóa.
Họ đầu tư tài chính và cả chính sách cho những nhân lực tìm kiếm, khai phá thị trường mới.
Ông Choi nói ngành công nghiệp Hàn Quốc không phải là ngành công nghiệp riêng biệt mà liên quan tới các ngành chế tạo, dịch vụ khác.
Nói về Việt Nam, ông Choi Seung Jin đánh giá đội ngũ nhân lực tài năng vô cùng đông đảo. Lịch sử Việt Nam lâu đời và phong phú về văn hóa. Ông Choi cho rằng đây là những cơ hội để Việt Nam phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp văn hóa.
Tuoitre.vn