Nhiều quốc gia trong đó có Anh, Italy và Trung Quốc tiếp tục thông báo các nỗ lực sơ tán công dân khỏi Sudan, nơi giao tranh trong các đô thị kéo dài 10 ngày qua đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Khủng hoảng nhân đạo cận kề
Tướng Abdel Fattah Burhan, người đứng đầu lực lượng vũ trang Sudan và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, thủ lĩnh của nhóm bán quân sự RSF đều đang tìm cách giành quyền kiểm soát quốc gia châu Phi. Xung đột nổ ra 2 năm sau khi lực lượng của hai vị tướng này cùng nhau thực hiện một cuộc đảo chính quân sự và làm trật bánh quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của Sudan.
Tuy nhiên, hai lực lượng này đã thất bại trong các cuộc đàm phán để hợp nhất và thành lập một chính phủ dân sự sau khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ. Bạo lực bất ngờ bùng phát giữa hai lực lượng vào ngày 15/4/2023 đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và khiến ít nhất 420 người thiệt mạng.
Theo ước tính của Liên hợp quốc (LHQ), khoảng 12 triệu trong tổng số 46 triệu dân của Sudan sống ở khu vực thủ đô Khartoum. Gần 16 triệu người, tương đương 1/3 dân số của đất nước, đang cần viện trợ nhân đạo, trong đó có khoảng 11,7 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.
Cuộc giao tranh ở Sudan đã khiến hầu hết các bệnh viện phải đóng cửa; điện, nước bị cắt. Việc các nhân viên cứu trợ, trong đó có 3 người từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), bị sát hại đã khiến WFP phải tạm dừng hoạt động tại Sudan.
Hiện người dân mong mỏi ít nhất có lệnh ngừng bắn để họ có thể dự trữ thực phẩm thiết yếu, thuốc men hoặc di chuyển đến các khu vực an toàn hơn.
Trong một diễn biến mới nhất, theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ngày 24/4, các phe phái đối địch ở Sudan đã đồng ý thực hiện lệnh ngừng bắn trên toàn quốc trong 72 giờ sau 48 giờ đàm phán căng thẳng.
Các nước gấp rút sơ tán công dân
Cùng với hàng triệu người Sudan không được tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu và bị mắc kẹt trong nhà, hàng nghìn nhà ngoại giao nước ngoài, nhân viên cứu trợ, sinh viên và gia đình của họ đã bị mắc kẹt trong vùng chiến sự từ tuần trước.
Bị ảnh hưởng nặng nề từ những đợt ném bom dữ dội của hai lực lượng giao tranh, sân bay chính tại thủ đô Khartoum trở thành điểm nóng. Các trận địa pháo đã khiến việc di chuyển trong và ngoài một trong những thành phố lớn nhất châu Phi trở nên mất an toàn. Các nhà ngoại giao trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công. Tính đến ngày 24/4, ít nhất 5 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng.
Hai đoàn xe tham gia sơ tán, trong đó có một đoàn chở nhân viên đại sứ quán Qatar và một đoàn khác chở công dân Pháp, đã bị tấn công.
Trước diễn biến phức tạp của cuộc giao tranh, chính phủ các nước đã khẩn trương triển khai kế hoạch sơ tán công dân khỏi thủ đô Khartoum.
Trong đợt sơ tán đầu tiên, hơn 150 người từ nhiều quốc gia đã tới địa điểm an toàn tại Saudi Arabia. Ngày 23/4, quân đội Mỹ đã tiến hành sơ tán khoảng 100 nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Khartoum với sự hỗ trợ của Djibouti, Ethiopia và Saudi Arabia. Một ngày sau, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ đang triển khai thêm lực lượng hải quân ở thành phố Port Sudan trên Biển Đỏ, cách Khartoum khoảng 850 km, để hỗ trợ đưa công dân Mỹ tại Sudan về nước, song công tác sơ tán sẽ không diễn ra trên quy mô lớn.
Cùng ngày, Pháp và Đức thông báo họ đã sơ tán khoảng 700 người mà không cung cấp thông tin chi tiết về quốc tịch. Mới đây Ai Cập tuyên bố đã đưa 436 công dân về nước an toàn bằng đường bộ.
Jordan cho biết 4 máy bay của nước này đã chở 343 người, bao gồm công dân Jordan và người dân Palestine, Iraq, Syria và Đức rời khỏi Sudan. Một số quốc gia cử máy bay quân sự từ Djibouti để đưa người dân ra khỏi thủ đô.
Indonesia cho biết cho đến nay hơn 500 công dân của họ đã được sơ tán đến thành phố Port Sudan và đang chờ đưa đến thành phố Jeddah (Saudi Arabia).
Trong khi đó, Trung Quốc, Đan Mạch, Liban, Hà Lan, Thụy Sĩ và Thụy Điển cũng cho biết họ đã tiến hành chiến dịch sơ tán công dân khẩn cấp. Nhật Bản thông báo họ đang chuẩn bị đưa một nhóm sơ tán rời khỏi Djibouti.
Theo ông Josep Borrell – quan chức đứng đầu phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cuối tuần qua, trên 1.000 công dân của khối này đã được sơ tán khỏi Sudan.
Khói bốc lên do giao tranh tại Khartoum, Sudan ngày 20/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Xung đột vượt ngoài biên giới
Cuộc tranh giành quyền lực giữa hai vị tướng hàng đầu tại một Sudan vốn dĩ bất ổn trong nhiều năm có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột rộng hơn thu hút các thế lực bên ngoài.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 24/4 cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang tại quốc gia Bắc Phi có thể “nhấn chìm toàn bộ khu vực”.
Marina Peter, người sáng lập Diễn đàn Sudan và Nam Sudan, nhận định với tờ DW (Đức) ngày 23/4 chỉ ra: “Sudan là trung tâm của các cuộc khủng hoảng và xung đột liên tục kéo dài. Khi một cuộc xung đột nổ ra ở quốc gia này, các nước trong khu vực như Ai Cập, Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, Ethiopia, Eritrea, thậm chí ở bên kia Biển Đỏ là Saudi Arabia, luôn bị ảnh hưởng”.
Theo ông Alex De Waal – chuyên gia về Sudan tại Đại học Tufts (bang Massachusetts, Mỹ), cuộc xung đột này mới chỉ là vòng khởi động của một cuộc nội chiến. “Nếu không nhanh chóng chấm dứt, cuộc xung đột sẽ trở thành một trò chơi đa cấp với một số chủ thể khu vực và quốc tế theo đuổi lợi ích riêng, huy động tiền, nguồn cung cấp vũ khí và có thể là quân đội hoặc lực lượng ủy nhiệm”, chuyên gia Alex nhận định.
Sudan là quốc gia lớn thứ ba của châu Phi và nằm trên dòng sông Nile. Tuy nhiên, quốc gia này không hề dễ dàng trong việc chia sẻ nguồn nước với các đối thủ nặng ký trong khu vực bao gồm Ai Cập và Ethiopia. Trong khi Ai Cập dựa vào sông Nile để nuôi hơn 100 triệu người dân nước mình thì Ethiopia lại đang xây dựng một con đập khổng lồ ở thượng nguồn khiến cả Cairo và Khartoum “đứng ngồi không yên”.
Ai Cập có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Sudan, vốn được coi là đồng minh đối đầu với Ethiopia. Mặc dù Cairo đã liên hệ với cả hai bên ở Sudan để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn nhưng rõ ràng quốc gia này sẽ không “ngồi yên” nếu quân đội Sudan đối mặt với thất bại.
Ngoài hai nước trên, Sudan giáp với năm quốc gia khác, bao gồm Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea và Nam Sudan. Gần như 5 nước này đều bị sa lầy trong các cuộc xung đột nội bộ, với các nhóm nổi dậy khác nhau hoạt động dọc theo biên giới.
Alan Boswell thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế cho biết: “Những gì đang diễn ra ở Sudan sẽ không chỉ tác động trong Sudan. Chad và Nam Sudan có nguy cơ bị ảnh hưởng kéo theo ngay lập tức. Cuộc giao tranh càng kéo dài thì chúng ta càng có nhiều khả năng chứng kiến sự can thiệp lớn từ bên ngoài”.