Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT hôm qua, GS.TS Đỗ Đức Thái, Chủ biên môn Toán chương trình giáo dục phổ thông mới nêu góp ý về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025.
Phương án 1, học sinh thi hai môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và các môn tự chọn. Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và các môn tự chọn. Trong số các môn tự chọn, học sinh chỉ cần chọn 2 môn theo sở trường, năng lực, định hướng nghề nghiệp để thi, không cần thi hết tất cả.
GS Thái dẫn chứng tại Nga, thí sinh chỉ thi hai môn bắt buộc Tiếng Nga và Toán. Nếu có nguyện vọng học tiếp đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi môn học mà hệ thống đại học, cao đẳng đó yêu cầu để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Trung Quốc, thí sinh thi tốt nghiệp THPT bằng ba môn bắt buộc là Toán, Trung văn, tiếng Anh và một môn tự chọn.
Ngược lại, Australia không có kỳ thi tốt nghiệp chung toàn quốc mà mỗi trường tổ chức kỳ thi riêng để công nhận tốt nghiệp bậc THPT. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hiện không có kỳ thi tốt nghiệp bậc THPT.
Mỹ hiện nay hầu hết bỏ kỳ thi tốt nghiệp dành cho bậc THPT, chỉ còn 8 bang duy trì kỳ thi này. Các bang cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh dựa trên hồ sơ chứng minh năng lực xuyên suốt 3 năm học phổ thông.
“Như vậy, mỗi quốc gia có cách thức thi hoặc xét tốt nghiệp khác nhau, không có đúng hay sai mà chỉ phục vụ hiệu quả nhất cho mục đích giáo dục của quốc gia đó”, ông Thái nói. Việc thi hay công nhận tốt nghiệp THPT đều được các nước triển khai theo hướng gọn nhẹ, tôn trọng học sinh, phát huy sở trường, thế mạnh của học sinh.
Ở nước ta yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT phải được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội nhưng đảm bảo độ tin cậy, khách quan. Nếu tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn bắt buộc như một số chuyên gia đề xuất sẽ rất nặng nề cho học sinh và cồng kềnh, đi ngược tinh thần đổi mới, gọn nhẹ.
Do đó, ông đề xuất chỉ nên thi 2 – 3 môn bắt buộc, cùng 2 môn tự chọn.
Vị chuyên gia này cũng góp ý thêm, việc ra đề thi tốt nghiệp THPT cần tuân thủ nguyên lý học gì thi nấy chứ không thể là thi gì học nấy. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp chứ không giữ vai trò trực tiếp trong tuyển sinh. Bộ GD&ĐT nên khuyến khích các trường tự chủ hoàn toàn về tuyển sinh, theo yêu cầu của từng trường.
Trước đó, Bộ GD&ĐT chốt dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 để lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, chuyên gia, học sinh.
Phương án 1, học sinh thi 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và hai môn tự chọn từ các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Phương án 2, học sinh thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn trong số các môn Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Đại diện Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết, giai đoạn 2025 – 2030, Bộ GD&ĐT thống nhất phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025 trên giấy, đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin. Song song với đó, Bộ từng bước triển khai thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau 2030, phấn đấu tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính với các môn thi trắc nghiệm.
Hà Cường