Ngày 15/6, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, chính sách viện trợ của liên minh giúp năng lực quốc phòng Ukraine đặc biệt tăng cường thời gian gần đây. Trong khi đó, Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch vừa thông báo về việc sẽ cung cấp viện trợ bổ sung cho Kiev.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định hôm 15/6, NATO hài lòng với hiệu quả của chính sách hỗ trợ dành cho Ukraine trong thời gian qua. (Nguồn: Sputnik) |
Trong buổi họp báo tại Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký Stoltenberg chia sẻ, những đợt viện trợ của NATO dành cho Ukraine trong nhiều tháng nay “thực sự tạo ra sự khác biệt”, đặc biệt trong bối cảnh Kiev đang tiến hành chiến dịch phản công chống lại các lực lượng Nga.
Ngoài ra, ông Stoltenberg cũng khẳng định, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels, các bộ trưởng và những đối tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng sẽ tìm cách thúc đẩy hơn nữa hoạt động sản xuất quốc phòng.
Theo ông, tiêu chuẩn chung đối với các quốc gia thành viên NATO – dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho ngân sách quốc phòng “không phải là mức trần, mà là mức tối thiểu để đầu tư đảm bảo an ninh chung”.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Na Uy đưa ra thông báo về việc Oslo và Copenhagen nhất trí viện trợ thêm 9.000 quả đạn pháo cho Ukraine.
Trong đó, Na Uy sẽ cung cấp đầu đạn, còn Đan Mạch sẽ hỗ trợ Kiev về ngòi nổ và liều phóng.
Trước đó, hôm 14/6, theo tông tin từ trang mạng NTV của Đức, Bộ Quốc phòng Hà Lan sẽ mua 4 hệ thống radar VERA-EG với tổng trị giá 150 triệu Euro để giúp tăng cường sức mạnh của lực lượng phòng không Ukraine.
Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết, hệ thống radar VERA-EG có thể được sử dụng để phát hiện, định vị, theo dõi và xác định các mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển.
Thông qua thương vụ lớn nhằm trang bị thêm 4 hệ thống radar cho Kiev, Hà Lan đang “đóng góp vào hệ thống phòng không tích hợp của Ukraine”.
Theo Bộ Quốc phòng Hà Lan, sau vụ đập Kakhovka bị phá huỷ, cũng như các cuộc tấn công của Nga nhằm vào mục tiêu dân sự và quân sự của Ukraine bằng đường không, lúc này Kiev cần phải củng cố và tăng cường khả năng phòng không.
Do đó, Hà Lan sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực này để giúp Ukraine có thêm lợi thế trong cuộc xung đột.
Trước đó, ngày 13/6, Mỹ đã tuyên bố gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 325 triệu USD cho Ukraine, trong bối cảnh Kiev đang tiến hành chiến dịch phản công. Gói viện trợ bao gồm tên lửa dành cho hệ thống phòng không, đạn dược cũng như phương tiện quân sự.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, đây là gói viện trợ thứ 40 của nước này dành cho Ukraine. Như vậy, kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, Washington đã chi đến 40 tỷ USD để giúp Kiev đảm bảo an ninh quốc gia.