Phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân
Trình bày tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 4/10, bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn TTC, nhìn nhận việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế sẽ hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển đa dạng đóng góp tỷ trọng lớn về nguồn vốn bền vững bên cạnh thị trường tiền tệ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao vị thế Việt Nam.
Đây là những lợi thế hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực, thu hút các nhà đầu tư lớn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường vốn.
Bà Ngọc cũng thông tin, một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự.
Đối với Việt Nam, theo bà Ngọc, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm – voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định.
Những voucher này tập trung cân đối được những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, Nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistics và các dịch vụ đi kèm được phát triển… sẽ thêm vào các chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, vì bản thân phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, trên thị trường bán lẻ hiện nay, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce – thành viên Tập đoàn Masan, cho rằng đang gặp phải một số thách thức đáng kể.
Cụ thể, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải đối mặt với thách thức, áp lực lớn về thị phần trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ FDI và mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới với ưu thế về giá thành rẻ, chuyển phát nhanh, hệ thống kho bãi, logistic…
Những điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và Tập đoàn Masan – WinCommerce nói riêng về việc triển khai các kế hoạch hành động mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng và nắm bắt xu hướng ngành để tận dụng lợi thế, tạo ra giá trị cạnh tranh.
Theo bà Phương, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTG nhằm đặt ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp theo từng giai đoạn để thúc đẩy sự phát triển ngành bán lẻ, đến năm 2030 là tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước đạt khoảng 85%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại cơ sở bán lẻ hiện đại đạt 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế.
Doanh nghiệp mong muốn được tham gia vào các giải pháp chiến lược để đạt được mục tiêu chung: phát triển thương mại hiện đại, tăng trưởng bền vững, tạo tiền đề vững chắc tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.
Cần điểm tựa đầu tư ra nước ngoài
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), cho hay, từ khi Viettel khai trương mạng di động năm 2004, chỉ 2 năm sau, tức năm 2006 đã đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù là lĩnh vực mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng Viettel đã mạnh dạn đầu tư tại Lào và Campuchia, từ đó rút kinh nghiệm để vươn sang các nước khác tại châu Phi và Mỹ La tinh.
Đến nay, sau chặng đường 18 năm, Viettel đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn trên thế giới, giá trị thương hiệu theo định giá gần 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và giá trị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á.
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, Viettel cũng xác định đầu tư ra nước ngoài gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, từ đó giúp thúc đẩy ngoại giao văn hoá, đối ngoại quốc phòng, lan toả hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu của Việt Nam ra quốc tế.
Để có những điểm tựa khi ra nước ngoài đầu tư, nhất là tại những nước chúng ta không có sứ quán, bảo hộ đầu tư, ông Thắng kiến nghị rất cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài qua những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ hay những chuyến thăm của lãnh đạo, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.
Ngoài ra, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhận xét, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể “đặt đề bài” cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia… ).
Một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.
Ông Thân cũng chỉ ra thách thức khi Việt Nam tiếp tục thực hiện một số dự án lớn như đường sắt cao tốc hay giai đoạn 2 của dự án đường bộ cao tốc là cần nguồn vốn khổng lồ.
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cần có một đề án cụ thể về “Thu hút nguồn vốn trong nhân dân” để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cac-nuoc-ho-tro-tien-mat-cho-dan-viet-nam-nen-xem-xet-phat-phieu-mua-sam-2328741.html