Các nhà báo cho biết, hành vi quấy rối không chỉ gây nguy hiểm cho sự an toàn của họ mà còn vi phạm quyền được pháp luật bảo vệ của họ.
Tuy nhiên, các nhà báo nữ vẫn đang nỗ lực bất chấp những cuộc tấn công này. Báo cáo của họ, đầy sức mạnh và quyết tâm, đóng một vai trò thiết yếu trong việc mang lại sự thay đổi trong xã hội Pakistan.
Các rào cản
Nhiều thách thức mà các nhà báo nữ ở Pakistan phải đối mặt bắt nguồn từ các chuẩn mực văn hóa và truyền thống. Năng lực của họ thường xuyên bị nghi ngờ và các đơn vị cũng ngần ngại giao cho các phóng viên nữ việc đưa tin nóng.
Sobia Saleem, một nhà báo ở tỉnh Sindh, cho biết: “Định kiến rằng phụ nữ không thể xử lý những tin tức khó khăn vẫn còn phổ biến”.
Các nhà báo nữ ở Pakistan thường xuyên bị loại khỏi vai trò lãnh đạo trong ngành truyền thông của đất nước. Cơ hội cho phụ nữ vẫn còn khan hiếm, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ.
Cô Atiya, một nhà báo ở tỉnh Balochistan giải thích, mặc dù môi trường kinh tế và xã hội đang được cải thiện và đã giúp phụ nữ theo đuổi những cơ hội tốt hơn, nhưng vẫn còn những rào cản.
“Phụ nữ không được khuyến khích tham gia lĩnh vực này do những hạn chế về tài chính và các chuẩn mực xã hội. Một số câu chuyện không thể thực hiện được do sự phức tạp của xã hội truyền thống”, cô nói.
Từ năm 2007, tỉnh này rơi vào tình trạng chiến tranh nhưng rất hiếm khi có những tường thuật chi tiết về nỗi đau khổ của các gia đình, đặc biệt là của phụ nữ và trẻ em.
Quấy rối
Từ năm 2019 đến năm 2020, hai nữ nhà báo Shaheena Shaheen và Urooj Iqbal đã bị sát hại ở Pakistan. Vụ việc đã làm tăng thêm sự lo lắng của các nhà báo nữ về sự an toàn của bản thân khi tác nghiệp. Cô Aneela Shaheen, một nhà báo ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, cho biết điều kiện làm việc, ít phúc lợi như không có chế độ nghỉ thai sản và việc thiếu các chính sách chống quấy rối tại nơi làm việc đang khiến cho rủi ro khi tác nghiệp của các nhà báo nữ tăng cao.
Bà Nadia Choudhary, một chuyên gia truyền thông xã hội đến từ Pakistan, lưu ý rằng quấy rối tình dục cũng phổ biến. Mặc dù mạng xã hội đã cung cấp nền tảng để phụ nữ bày tỏ quan điểm, phát triển thương hiệu cá nhân và trau dồi kỹ năng chuyên môn, nhưng nó cũng khiến họ phải đối mặt với tình trạng quấy rối trực tuyến ngày càng gia tăng. Bà nói thêm, điều này càng trở nên gay gắt hơn trong một xã hội, nơi mà quan điểm bảo thủ về vai trò của phụ nữ vẫn chiếm đa số.
Những cải tiến trong tương lai
Cô Saleem nhận định rằng việc giáo dục, tư vấn và cải cách nơi làm việc là điều quan trọng để phụ nữ thăng tiến trong lĩnh vực truyền thông. Những sáng kiến này có thể phá vỡ các rào cản và nâng cao tiếng nói của phụ nữ. Cô nói thêm, đào tạo thực hành và thực tập cũng nên là một phần của nỗ lực này.
Các trường đại học cũng nên chuẩn bị trước cho phụ nữ về những thách thức trong thế giới thực mà họ có thể gặp phải. “Việc thu hẹp khoảng cách này thông qua tư vấn và giáo dục thực tế có thể truyền cảm hứng cho phụ nữ theo đuổi nghề báo, khơi dậy một hành trình thay đổi và có tác động mạnh mẽ”, cô nói.
Điều quan trọng là các tổ chức truyền thông phải ủng hộ các chính sách mang tính toàn diện và bình đẳng về giới. Bà Choudhary cho biết điều này bao gồm ủng hộ hạn ngạch giới tính, đào tạo và nỗ lực xóa bỏ thành kiến, đồng thời cho biết thêm rằng những định kiến về những gì các nhà báo nữ có thể và không thể đưa tin phải được phá bỏ. Điều này sẽ giúp tạo ra một môi trường truyền thông công bằng trong nước.
Ông Abdul Razaque Chhachhar, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Sindh, cũng cho biết: “Sự phát triển của báo chí phải được hướng tới sự hòa nhập, nơi tiếng nói đa dạng, đặc biệt là của phụ nữ, có thể phát triển một cách chân thực và đóng góp vào một bối cảnh truyền thông cân bằng và mang tính đại diện hơn”.
Hoàng Tôn (theo IJN)