Diễn ra trong 3 ngày từ 11 đến 13/9, Hội thảo tập hợp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các nghị sĩ trẻ từ Việt Nam, Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Phi, các vùng khác trên thế giới để chia sẻ kiến thức, trình bày kết quả nghiên cứu, thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước. Đây là một vấn đề quốc tế rất quan trọng và cần những giải pháp hòa bình dựa trên nền tảng khoa học để cùng giải quyết.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của Biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước là vấn đề Việt Nam đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với trên 100 văn bản pháp luật có liên quan đến nước. Tại Kỳ họp thứ Sáu vào tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để điều chỉnh tổng thể về nước. Quốc hội cũng đang yêu cầu các cơ quan rà soát các Luật liên quan để bảo đảm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an ninh nguồn nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp khác như: công tác quy hoạch, điều tiết nước, chuyển nước lưu vực sông; đầu tư nguồn lực, phát triển hạ tầng bảo đảm an ninh nguồn nước; giải pháp về khoa học và công nghệ trong dự báo, xây dựng vận hành các công trình tích nước, trữ nước, chuyển nước; tuần hoàn nước, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả; bổ cập nguồn nước; tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm về quản lý an ninh nguồn nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Quốc Hải nêu rõ, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực đề xuất các hoạt động và tham gia các sáng kiến toàn cầu của IPU. Việt Nam đánh giá cao các nỗ lực và sáng kiến của IPU với vai trò là một cơ chế hợp tác liên nghị viện toàn cầu, đã hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam để phát huy vai trò của hợp tác nghị viện nhằm chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu.
Đặc biệt, cuối tuần này, Quốc hội Việt Nam và IPU sẽ tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội. Đây sẽ là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thu hút sự tham gia và đóng góp của các Nghị sĩ trẻ trên toàn thế giới cho việc thực hiện Chương trình nghị sự toàn cầu vì phát triển bền vững đến năm 2030.
Trong khuôn khổ Hội thảo này, với mong muốn hợp tác cùng cộng đồng khu vực và quốc tế bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, giảm bất đồng về khai thác và sử dụng bền vững nước, xây dựng hòa bình thông qua hợp tác khoa học, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cùng chia sẻ những thách thức đang gặp phải và trao đổi các giải pháp tháo gỡ, các bài học và kinh nghiệm trong thực hiện mục tiêu này.
“Chúng tôi cũng mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ cùng nhau thống nhất cam kết các mục tiêu mà chúng ta sẽ thực hiện trong thời gian tới để Chủ đề “An ninh và bất an nguồn nước: Xây dựng hòa bình thông qua khoa học” là nội dung hữu ích cho các quốc gia tham dự; vì sự thịnh vượng của các quốc gia cùng với bảo đảm an ninh nguồn nước; thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, đây là sự kiện đầu tiên đánh dấu việc thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa IPU và Trung tâm ICISE. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh “hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển” đang đối mặt với những thách thức lớn. Tại sự kiện này, các vấn đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước dựa trên các hướng giải quyết từ khoa học để xây dựng hòa bình sẽ được đề cập, phân tích, làm rõ. Sự kiện này cũng góp phần củng cố mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học và cộng đồng liên minh nghị viện thế giới nhằm ủng hộ khoa học và hòa bình thế giới.
Theo Giáo sư Trần Thanh Vân, Giám đốc ICISE, Hội thảo lần này là hoạt động chính của chuỗi các hội thảo, hội nghị “Khoa học vì hòa bình” của IPU để hiện thực hóa tầm nhìn về sự thống nhất thông qua khoa học nhằm mục đích chung sống hòa bình và đóng vai trò là nền tảng đối thoại giữa các nghị viện về các chủ đề liên quan đến mục tiêu cốt lõi của IPU. Đây là tầm nhìn và con đường tương lai để có sự phát triển bền vững cho trái đất xanh của chúng ta.
Tại Hội thảo có 9 phiên thảo luận với các chuyên đề chuyên sâu được diễn ra như: Khoa học và chính trị; Các chương trình quan sát Trái đất để giám sát nguồn nước; Thực hành lập pháp điển hình; Ngoại giao đa phương, trong khu vực và song phương về nguồn nước cho các hợp tác xuyên biên giới; Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình; Đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; Thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua khoa học cộng đồng; Mạng lưới Liên minh Nghị viện về nguồn nước; Ngoại giao khoa học và Khoa học dự đoán.