Tám nhà nghiên cứu người Pháp, Italy và Na Uy đã cắm trại tại quần đảo Svalbard của Na Uy trong suốt gần 2 tháng qua, bất chấp những cơn bão và rủi ro để bảo tồn những mẫu băng cổ xưa có thể được sử dụng để phân tích khí hậu Trái Đất trong quá khứ và lập biểu đồ về tác động tàn phá mà hoạt động của con người gây ra.
Nhóm nhà khoa học của tổ chức Ice Memory Foundation đã khoan rút được ba lõi băng dài 50-75 mét tại Svalbard. Chúng sẽ được bảo quản để phân tích khoa học trong tương lai tại một trạm nghiên cứu ở Nam Cực.
Sông băng ở Nam cực ngày 14/9/2017. Ảnh (tư liệu) minh họa: AFP/TTXVN
Phân tích hóa chất trong các “lõi băng” sâu như vậy sẽ cung cấp dữ liệu có giá trị về các điều kiện khí hậu và môi trường trong nhiều thế kỷ qua. Đây thực sự là cuộc chạy đua để bảo tồn “ký ức băng giá” này. Các chuyên gia cảnh báo rằng khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, nước tan chảy sẽ rò rỉ vào băng cổ đại và có nguy cơ phá hủy các dữ liệu địa hóa mà nó chứa trước khi các nhà khoa học có thể thu thập.
Daniele Zannoni, thành viên của nhóm nghiên cứu từ Đại học Ca’ Foscari ở Venice, cho biết: “Việc nhìn thấy nước trong sông băng đã cho chúng tôi bằng chứng rõ ràng nhất về những tác động mà biến đổi khí hậu nghiêm trọng đang gây ra ở Bắc Cực”.
Lượng khí thải carbon do con người gây ra đã làm cho Trái Đất nóng lên 1,15 độ C kể từ cuộc cách mạng công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở thế kỷ 19. Các nghiên cứu cho rằng Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn từ 2 đến 4 lần so với mức trung bình toàn cầu.
Theo số liệu của LHQ, 40 “sông băng kỳ lạ” trên thế giới hiện nay trung bình mỏng hơn 26 mét so với năm 1970.
Jerome Chappellaz, Chủ tịch của tổ chức Ice Memory Foundation, cho biết cuộc đua đang diễn ra đối với các nhà nghiên cứu về sông băng, những người “đang chứng kiến vật liệu chính của họ biến mất vĩnh viễn khỏi bề mặt hành tinh”. Ông nhấn mạnh: “Trách nhiệm của chúng tôi với tư cách là các nhà nghiên cứu về sông băng của thế hệ này là đảm bảo một phần của nó được bảo tồn”.
Giám đốc Anne-Catherine Ohlmann của Ice Memory Foundatio cho rằng: “Nếu chúng ta mất đi những mẫu lưu trữ như thế này, chúng ta sẽ mất đi ký ức về sự thay đổi khí hậu của con người. Chúng ta cũng sẽ mất thông tin quan trọng cho các nhà khoa học và hoạch định chính sách trong tương lai, những người sẽ phải đưa ra quyết định vì sự thịnh vượng của xã hội”.
Theo TTXVN/Báo Tin tức