Bởi vậy, các cơ quan này đưa ra một khuyến nghị quan trọng là theo dõi hành vi quấy rối trực tuyến và đưa ra các biện pháp phòng ngừa.
Giám đốc toàn cầu của ICFJ, Julie Posetti, gần đây đã tiết lộ 5 trong số 14 “chỉ số leo thang bạo lực trực tuyến” cho thấy hậu quả trực tiếp của việc quấy rối trực tuyến. Danh sách đầy đủ sẽ được Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) công bố vào tháng 5.
Nghi ngờ “làm việc cho kẻ thù”
Quấy rối thường được liên kết với các nhà báo “làm việc cho kẻ thù”. Chẳng hạn, nhiều nhà báo tiếng Ba Tư của BBC sống ở Vương quốc Anh nhưng đến từ Iran, đã trở thành mục tiêu của một số nhóm người ở Iran.
Tấn công có chủ đích
Những tin nhắn đe dọa như kiểu “Mày sẽ là người tiếp theo” thường xuyên được gửi tới nhiều nhà báo.
Phóng viên tội phạm tại Bắc Ireland, Patricia Devlin, đã nói về hai người đồng hương đã bị sát hại trong thời bình, Lyra McKee (năm 2019) và Martin O’Hagan (năm 2001).
“Điều đáng ngạc nhiên trong cả hai vụ việc là dù xảy ra cách nhau nhiều năm, song không ai từng bị kết án vì những vụ giết người đó”, cô nói.
Cô đã 6 lần đến gặp cảnh sát sau khi nhận được các thông điệp dọa giết, nhưng chỉ được yêu cầu thay đổi nơi cư trú hoặc cải thiện các biện pháp an ninh.
Đe dọa các thành viên gia đình
Những kẻ quấy rối thường đe dọa thân nhân của các nhà báo theo những cách bệnh hoạn. Nhà báo Devlin đã nhận được những lời đe dọa cá nhân trực tiếp trên tài khoản Facebook của mình, thậm chí dọa cưỡng hiếp con của cô.
Nghiên cứu của ICFJ cho thấy 13% phụ nữ gặp phải kiểu quấy rối này và chúng thường có tác động tâm lý sâu sắc.
Nhà báo Rana Ayyub của Washington Post là một nữ nhà báo khác phải đối mặt với làn sóng quấy rối và đe dọa, không chỉ với bản thân cô mà còn với những người thân là phụ nữ.
Giám sát có mục tiêu
Phần mềm gián điệp Pegasus đang được sử dụng để tấn công và chia sẻ hình ảnh cá nhân của các nữ nhà báo trên mạng xã hội nhằm đe dọa và bịt miệng họ.
Trong trường hợp của nhà báo người Lebanon, Ghada Oueiss, những hình ảnh bị phát tán đã bị chỉnh sửa như một phần của chiến dịch thông tin sai lệch.
Phân biệt giới tính
Quấy rối phân biệt giới tính thường đi kèm với các hình thức phân biệt đối xử khác như phân biệt chủng tộc, tôn giáo hoặc kỳ thị đồng tính. Nhà báo Devlin cũng mô tả cảm giác lạc lõng và không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu.
Các nghiên cứu cho thấy rằng các nhà báo có thể bị quấy rối trực tuyến chỉ “trong vòng vài giây” sau khi đăng một dòng tweet và mức quấy rối tăng đột biến nhất xảy ra trong vòng ba phút.
Một trong những tweet tương tác nhiều nhất của nhà báo Ayyub đã nhận được 12.000 phản hồi, với 460 trong số đó bị coi là quấy rối (3,6%) và phải mất 12 phút để nhận được phản hồi từ Twitter.
“Đây là lý do tại sao việc hiểu mối liên hệ giữa quấy rối ngoại tuyến và trực tuyến là cực kỳ quan trọng. Có một ranh giới rất mong manh giữa hai điều này”, cô cho hay.
Nữ nhà báo này cũng từng nhận được những cuốn sách của mình bị đốt dở qua đường bưu điện, với lời đe dọa ngầm rằng chúng biết nơi cô sống.
“Chúng tôi hy vọng và mong đợi rằng các nền tảng sẽ xuất hiện các công cụ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát nạn quấy rối online, điều sẽ giúp cho chính họ cũng như cho cả chúng tôi, những nhà báo nữ”, Ayyub chia sẻ.
Hoàng Tôn (theo UNESCO, ICFJ)