Các ngân hàng trung ương giờ đây muốn kết hợp chiến thuật nâng lãi suất cơ bản với tầm nhìn bao quát, toàn diện hơn về giá cả cùng với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuần qua, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới tiếp tục thực hiện một đợt tăng lãi suất khác mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, để nói về những động thái tiếp theo, các ngân hàng đều đã chuyển sang mang quan điểm thận trọng hơn – một dấu hiệu cho thấy đợt thắt chặt tiền tệ toàn cầu kéo dài một năm vừa rồi có thể kết thúc.
Theo hãng tin Reuters, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã đưa ra mức tăng lãi suất trong tuần này như dự kiến, để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm nếu lạm phát không giảm. FED đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm sau khi tạm dừng vào tháng 6, theo đó đưa lãi suất quỹ liên bang, cơ sở để các ngân hàng tính lãi khi vay qua đêm, lên ngưỡng mục tiêu mới từ 5,25% đến 5,5% – mức cao nhất trong 22 năm qua.
Ngân hàng Anh dự kiến tăng lãi suất một lần nữa vào tuần tới. Ngày 27/7, Ngân hàng Nhật Bản đã mở cuộc thảo luận về kế hoạch chấm dứt các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình.
Mặc dù tại châu Âu và Mỹ, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu luôn ưu tiên phổ biến quan điểm tăng lãi suất để giảm lạm phát kể từ năm ngoái nhưng sau một năm áp dụng, các ngân hàng trung ương giờ đây muốn kết hợp chiến thuật đó với tầm nhìn bao quát, toàn diện hơn về giá cả cùng với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Cách tiếp cận toàn diện hơn có thể cho phép bằng chứng lạm phát giảm thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Đây là một bước chuyển từ quan điểm trước đó của các nhà hoạch định chính sách, khăng khăng cho rằng họ cần thấy tốc độ tăng giá thực sự giảm xuống để biết tiến trình đang thực hiện có hiệu quả hay không.
Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 26/7 sau quyết định tăng lãi suất lần thứ 11 của FED: “Chúng tôi muốn thấy tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải hoặc khiêm tốn để giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Chúng tôi muốn thấy sự cân bằng cung và cầu tiếp tục được khôi phục, đặc biệt là trên thị trường lao động. Những mảnh ghép đó cần ăn khớp với nhau”.
Chủ tịch FED nêu rõ điều quan trọng là “có thể đưa lạm phát quay trở lại mức mục tiêu mà không gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng, dẫn đến tỷ lệ mất việc làm cao”. Tuy nhiên, ông thừa nhận đây là một chặng đường dài và còn nhiều việc để làm.
Theo ông Powell, các quyết định trong thời gian tới sẽ được đưa ra trên cơ sở từng cuộc họp và các quan chức chỉ có thể đưa ra hướng dẫn hạn chế về chính sách tiền tệ tiếp theo trong các điều kiện hiện tại.
Đối với ECB, Chủ tịch Christine Lagarde cho biết một sự thay đổi nhỏ về từ ngữ trong tuyên bố chính sách mới nhất của họ “không chỉ là ngẫu nhiên hoặc không liên quan”, mà nó thể hiện sự thay đổi sau 9 lần tăng lãi suất liên tiếp. Quyết định có tạm dừng tăng lãi suất hay không sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Ngân hàng trung ương châu Âu vào tháng 9, giống như ngân hàng trung ương Mỹ.
Phó Chủ tịch ISI của Evercore, ông Krishna Guha, nhận định trong một bài bình luận “Mặc dù vẫn tồn tại rủi ro về vật chất và lạm phát vẫn có thể đòi hỏi phải tăng lãi suất thêm nữa, nhưng về cơ bản, ECB – giống như FED – đã hoàn tất việc tăng lãi suất”.
Theo Báo Tin tức