ANTD.VN – Giá vàng thế giới đã hồi phục trở lại sau nhiều phiên giảm kéo dài từ cuối tuần trước. Thông tin tích cực là đa số các ngân hàng trung ương cho biết sẽ tăng dự trữ vàng trong năm 2023.
-
Giá vàng hôm nay: Tạm lùi để chuẩn bị cho đợt tăng giá mới?
-
Giá vàng mất mốc 2.000 USD/ounce, chuyên gia dự báo tuần tới tiếp tục giảm
-
Giá vàng tăng trở lại, nhiều yếu tố hỗ trợ từ nay đến cuối năm
Sáng nay, giá vàng trong nước tăng nhẹ. Vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ tăng 50 nghìn đồng mỗi lượng lúc mở cửa, lên 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, kim loại quý biến động tích cực hơn. Trong phiên giao dịch tại thị trường châu Âu và Mỹ (đêm qua giờ Việt Nam), vàng giao ngay đã chốt phiên đầu tuần với mức tăng nhẹ 5 USD, lên sát 1.989 USD/ounce.
Đáng nói, kim loại quý đã có diễn biến khá bất ngờ khi mở cửa phiên giao dịch tại châu Á khi vọt tăng lấy lại ngưỡng 2.000 USD vào đầu giờ sáng, sau đó hạ nhiệt phần nào và tính đến 8h30 sáng đang giao dịch sát 1.999 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với mức đóng cửa phiên giao dịch thị trường Mỹ.
Đối với vàng giao tháng 6, sau khi chốt phiên 24/4 ở mức 1.999,8 USD/ounce, sang đến sáng nay đã dễ dàng chinh phục mức 2.000 USD. Tính đến 8h30 sáng giờ Việt Nam, giá vàng tương lai đã đạt 2.007,2 USD/ounce.
Dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương tăng mạnh trong năm 2022 và dự báo tiếp tục tăng trong 2023 |
Hiện thị trường vàng đang được hỗ trợ bởi thông tin về dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương. Cuộc khảo sát Xu hướng Quản lý Dự trữ của các ngân hàng trung ương được thực hiện bởi HSBC diễn ra từ tháng 2 đến giữa tháng 3/2023 cho thấy, có tới 2/3 các ngân hàng trung ương cho biết sẽ tăng cường nắm giữ vàng vào năm 2023.
Cuộc khảo sát định kỳ hàng năm này được tiến hành với 83 ngân hàng trung ương quản lý tổng tài sản ngoại hối trị giá 7.000 tỷ USD.
Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), lượng vàng mua của các ngân hàng trung ương trong năm 2022 đã tăng 152% so với cùng kỳ năm 2021 lên 1.136 tấn.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã mua 62 tấn vàng vào tháng 11 và 12/2022, đưa tổng lượng vàng dự trữ lần đầu tiên vượt mức 2.000 tấn.
Lượng vàng dự trữ chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 148 tấn lên 542 tấn trong năm ngoái.
Các nước Trung Đông và Trung Á cũng tích cực mua vàng trong năm 2022.
Khảo sát cho thấy hầu hết ngân hàng trung ương tham gia khảo sát đánh giá rủi ro địa chính trị là một trong những mối quan tâm quan trọng nhất và chỉ đứng sau yếu tố lạm phát cao. Hơn 40% ngân hàng trung ương tham gia khảo sát đã liệt kê rủi ro địa chính trị là một trong những yếu tố rủi ro hàng đầu, so với 23% trong cuộc khảo sát năm ngoái.
Khoảng 1/3 ngân hàng trung ương tham gia khảo sát đã thay đổi hoặc đang có kế hoạch thay đổi tài sản đã mua do những căng thẳng như xung đột Nga – Ukraine và quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi.
Vàng cũng được xem là một hàng rào hiệu quả chống lại lạm phát cao, đây hiện là mối quan tâm số một của hơn 70% những ngân hàng trung ương. Giá vàng thỏi hiện đang ở gần mức cao kỷ lục, sau khi lạm phát gia tăng trong suốt năm 2022.
Ngoài ra, dữ liệu mới nhất về dự trữ vàng của các quốc gia trong quý I cũng đem đến một số phản ứng tích cực.
Hội đồng Vàng Thế giới đưa tin, trích dẫn dữ liệu mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vào tháng 3, ngân hàng trung ương Nga đã bán 3,1 tấn vàng khi kim loại quý bắt đầu một đợt tăng giá lớn. Dù vậy, thông tin thú vị hơn là ngân hàng này hiện đã công bố lượng vàng nắm giữ hàng tháng kể từ tháng 2 năm 2022. Theo đó, dự trữ vàng của Nga đã tăng thêm 28 tấn.
Trong một tin tức khác, Ngân hàng Quốc gia Séc đã mua 1,5 tấn vào tháng 3. Đây là tháng mua lớn nhất đối với Ngân hàng này. Trong cả năm ngoái, ngân hàng đã mua 1,4 tấn, tổng dự trữ vàng của nước này hiện ở mức 13,5 tấn – mức cao nhất kể từ giữa năm 2006.
Ấn Độ cũng đã mua 3,5 tấn vàng thỏi vào tháng trước, nâng tổng lượng vàng quý I lên 7,3 tấn. Và việc mua này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc báo cáo mua thêm 18 tấn vàng vào tháng 3, đánh dấu tháng mua vàng thứ 5 liên tiếp.
Các nhà đầu tư vàng đang tập trung theo dõi dữ liệu kinh tế vĩ mô của nước Mỹ sắp được công bố, đặc biệt là chỉ số GDP quý I/2023. Chỉ số GDP và chỉ số giá (PCE) sẽ là những thước đo quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) căn cứ đánh giá mức độ lạm phát của nền kinh tế.