Trong nhóm các nhà băng lợi nhuận nghìn tỷ có mức tăng trưởng về lợi nhuận vượt trội 6 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) tăng 142%, VPBank (68%), SeABank (61%), HDBank (49%), Techcombank (39%)…

Nếu chỉ tính tỉ lệ tăng trưởng tăng trưởng lợi nhuận, đứng đầu là Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) với mức tăng trưởng lên tới 284%.

Kiểm soát chi phí, hoạt động cho vay khởi sắc

bvbank pgd.jpg
BVBank dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm. Ảnh: BVBank.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, LPBank đạt lợi nhuận trước thuế quý II lên đến 3.033 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 5.919 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng mạnh 142% so với cùng kỳ năm 2023. 

Với kết quả trên, LPBank đã đạt được 56% kế hoạch lợi nhuận năm nay. Trước đó, ĐHĐCĐ Ngân hàng LPBank đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 10.500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm, LPBank huy động khách hàng đạt 336.978 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay đạt 317.417 tỷ đồng. Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng của LPBank tính đến 30/6 đã đạt trên 15% – con số mơ ước đối với nhiều tổ chức tín dụng. 

Theo giải trình của LPBank về việc biến động lợi nhuận sau thuế, quý II tăng 142% so với cùng kỳ năm ngoái, là do tình hình kinh tế khởi sắc, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, nhiều cá nhân và doanh nghiệp cần bổ sung vốn lưu động.

Với VPBank, việc lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 8.665 tỷ đồng, tăng mạnh 68%, được ngân hàng lý giải do kiểm soát chi phí vốn hiệu quả, tập trung khai thác tối đa các cơ hội kinh doanh. Nhờ đó, quy mô tín dụng của ngân hàng mẹ đạt 570.000 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cuối năm 2023. 

VPBank tập trung đẩy mạnh các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính tiêu dùng và phân khúc mới nổi FDI, nhằm tối ưu các cơ hội kinh doanh thị trường mang lại và tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận.

SeABank cũng là ngân hàng thuộc tốp đầu về tăng trưởng lợi nhuận, với hơn 3.238 tỷ đồng nửa đầu năm, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại ngân hàng này tăng mạnh, lên 20.038 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 13,4% tổng huy động. Đây là lợi thế không nhỏ của nhà băng này trong việc tiết kiệm chi phí huy động vốn, tạo động lực cho tăng trưởng lợi nhuận.

Tại BVBank, với việc ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 153 tỷ đồng (tăng 284%), BVBank dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm, qua đó đạt 76% kế hoạch năm. 

Lý giải về việc lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc, BVBank cho hay một trong những yếu tố quan trọng là ngân hàng này tích cực kiểm soát chi phí.

Tình hình kinh doanh ghi nhận, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập (TOI) đạt gần 1.200 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong khi thu nhập từ lãi giảm 13%, chi phí vốn được tối ưu hoá, giảm 29% so với cùng kỳ. Theo đó, BVBank ghi nhận tổng thu nhập lãi thuần tăng 57% so với 6 tháng đầu năm 2023, đạt 1.023 tỷ đồng. 

Hoạt động kinh doanh ngoại hối khởi sắc, tăng trưởng 65% so với cùng kỳ nhờ doanh số mua bán ngoại tệ tăng mạnh.

Trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng 46%, chi phí hoạt động của BVBank ở mức 700 tỷ đồng, chỉ tăng 9% so với cùng kỳ – chứng tỏ ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý hiệu quả chi phí, từ đó hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận. 

Ở chiều tăng trưởng tín dụng, quý I/2024, BVBank gặp nhiều khó khăn do một phần tác động từ bối cảnh chung của thị trường; đến quý II, hoạt động cho vay có nhiều khởi sắc, dư nợ cho vay đạt gần 59.600 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ và tăng 3,2% so với cuối năm 2023. 

Lộ diện ‘quán quân’ về lợi nhuận trước thuế

Trong khi đó, HDBank báo lãi trước thuế 6 tháng lên đến 8.165 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ với tăng trưởng tín dụng đạt 13%.

HDBank cho hay, kết quả trên là nhờ ngân hàng tăng cường hiệu quả hoạt động và áp dụng các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số. Số lượng khách hàng mới được thu hút qua kênh số cao gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. 94% giao dịch của khách hàng được thực hiện trên kênh số. Số lượng giao dịch e-banking tăng 130% so với cùng kỳ.

Techcombank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 15,6 nghìn tỷ đồng, CASA và an toàn vốn (CAR) tiếp tục dẫn đầu ngành. 

Trong quý II/2024, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 7.827 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng đạt 15.628 tỷ đồng, tăng 38,6% so với 6 tháng đầu năm 2023. 

Tuy nhiên, xét về con số tuyệt đối, Vietcombank vẫn là “vô đối” với 20.835 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm, dù chỉ tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.

Đứng thứ hai là Techcombank, ngân hàng tư nhân này thậm chí còn đứng trên BIDV (15.549 tỷ đồng), MB (13.428 tỷ đồng) và VietinBank (12.960 tỷ đồng).

Trong số 3 ngân hàng thương mại nhà nước, BIDV dẫn đầu về mức tăng trưởng lợi nhuận, lên đến 12%, trong khi con số này tại VietinBank và Vietcombank lần lượt là 3% và 2%. 

Trong số các ngân hàng thương mại tư nhân, Techcombank, VPBank, ACB, HDBank,… được kỳ vọng là nhóm dẫn đầu xu thế tăng trưởng chung của toàn ngành trong năm 2024 nhờ tỷ lệ an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng.

XẾP HẠNG LỢI NHUẬN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024 CÁC NGÂN HÀNG
STT NGÂN HÀNG LỢI NHUẬN 6 THÁNG (TỶ ĐỒNG) TĂNG TRƯỞNG
1 VIETCOMBANK 20.835 2%
2 TECHCOMBANK 15.628 39%
3 BIDV 15.549 12%
4 MB 13.428 5%
5 VIETINBANK 12.960 3%
6 ACB 10.491 5%
7 VPBANK 8.665 68%
8 HDBANK 8.165 49%
9 SHB 6.860 13%
10 LPBANK 5.919 142%
11 SACOMBANK 5.342 12%
12 VIB 4.605 -18%
13 TPBANK 3.733 10%
14 MSB 3.690 4%
15 SEABANK 3.239 61%
16 NAM A BANK 2.217 45%
17 OCB 2.113 -17%
18 EXIMBANK 1.474 5%
19 VIET A BANK 734 33%
20 ABBANK 582 -14%
21 KIENLONG BANK 552 37%
22 BAC A BANK 542 14%
23 VIETBANK 411 11%
24 PGBANK 268 -7%
25 SAIGONBANK 166 -9%
26 BVBANK 153 284%
27 BAOVIET BANK 26 4%
28 NCB 7 -47%
Tổng 148.351 16%