Theo lịch tiết khí, tháng 5 âm lịch được cho là nắng nóng nhất năm, khiến cơ thể chuyển hóa mạnh, dễ đổ mồ hôi, hao khí thương tân… nhất là những ngày cửu độc. Khi đó lục phủ ngũ tạng của con người (thận, dạ dày, gan, đại tràng…) cũng xuất hiện các độc tố. Vì vậy, người xưa khuyên nên ăn những món có vị đắng đáp ứng nhu cầu thanh mát bổ, tăng cường sức khỏe, giải thử (chống nóng), viêm nhiệt, giúp tăng thèm ăn… – và quả mướp đắng đứng đầu lựa chọn, ngày nay được chế biến thành nhiều món ngon lạ miệng.
Quả mướp đắng (còn gọi là khổ qua, cẩm lệ chi, lương qua) đáp ứng vị đắng, lại rất giàu dưỡng chất tự nhiên, có tác dụng chống nóng, giải nhiệt… và nhiều lợi ích tốt khác nữa. Trong ẩm thực, mướp đắng ngày nay trong các nhà hàng, quán ăn được chế biến thành những món ăn lạ miệng, ngon bổ, dễ làm. Các bà nội trợ không lo tốn nhiều công sức mà vẫn có những món ăn thanh mát, giải nhiệt, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật cả tiết Hạ chí và 3 tháng hè.
Mướp đắng đặc biệt giàu chất xơ, calo, vitamin C, A – những vi chất, khoáng chất quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp tăng cường sức khỏe của da và thị lực. Trong mướp đắng có folate, lượng nhỏ kali, kẽm và sắt rất cần cho sự tăng trưởng và phát triển cơ thể. Còn có các hợp chất thực vật tốt cho hệ tiêu hóa, đường ruột. Vì vậy, mướp đắng được xếp vào danh sách rau có nhiều công dụng nhất cho sức khỏe.
Theo Đông y, mướp đắng vị đắng, tính lạnh; vào tỳ, vị, tâm, can. Công dụng chính là thanh giải thử nhiệt, giải độc. Hay dùng khi nhiệt bệnh, sốt nóng, mất nước, viêm/sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, viêm kết mạc mắt cấp tính (đau mắt đỏ), bệnh đái tháo đường… Mướp đăng còn là món ăn bài thuốc hỗ trợ trị sốt nóng mất nước, hội chứng lị, viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, đau mắt đỏ, mụn nhọt, rôm sảy…
Ngoài ra, mướp đắng còn được sử dụng làm nước uống thay trà để giải nhiệt, mát gan rất tốt. Theo đó, quả mướp đắng sơ chế sạch, thái lát, dùng tươi (hay phơi khô) hãm với nước đun sôi để uống. Hoặc dùng quả mướp đắng tươi, bỏ ruột, ướp với đường, Khi ngấm cho vào máy ép nước uống cũng rất tốt.
Mướp đắng xào đậu phụ
Sau đây là các món ăn mới lạ chế biến từ quả mướp đắng rất đơn giản mà các nhà hàng, quán ăn hay làm.
Mướp đắng 2 quả, đậu phụ 2 bìa nhỏ.
Sơ chế sạch mướp đắng, bỏ ruột, thái lát mỏng.
Đậu phụ xắt miếng nhỏ, rán vàng.
Phi thơm hành khô, cho mướp đắng vào xào chín. Nêm nếm gia vị một chút cho ngấm.
Cho tiếp đậu phụ và gia vị vào đảo đều, nêm nếm vừ vị rồi trút ra đĩa, ăn nóng với cơm.
Canh mướp đắng nấu cá quả
Mướp đắng rửa sạch, nạo bỏ ruột, cắt khúc vừa ăn.
Cá quả làm sạch, cắt khúc.
Đun sôi lượng nước vừa đủ canh ăn, nêm gia vị và đun tiếp cho cá chín mềm.
Thả mướp đắng vào nấu cùng, tới khi mướp đắng chín mềm thì rắc hành, mùi (ngò rí), rồi mức ra bát ăn nóng với cơm.
Ngày nắng nóng bên cạnh mướp đắng thanh mát, thịt cá quả (hoặc cá khác) có nhiều chất dinh dưỡng nên món canh này rất cần thiết cho cơ thể.
Canh mướp đắng nấu tôm
Mướp đắng 3 quả. Tôm tươi 200g. Giò sống 100g.
Gia vị, hành lá, rau mùi, hạt tiêu…
Mướp đắng sơ chế, bỏ ruột cắt khúc.
Tôm bóc vỏ, rút chỉ sống lưng rồi xay hoặc băm nhỏ.
Trộn giò sống với tôm, ướp gia vị, nhồi vào khúc mướp đắng.
Đun lượng nước sôi vừa ăn, thả mướp đắng đã nhồi tôm (hoặc để nguyên con tôm) vào đun tiếp, Thịt tôm rất nhanh chín, nên nhanh nêm gia vị, rắc hành, mùi, hạt tiêu vào rồi bắc xuống, múc ra bát là xong món canh ngon thơm mát, bổ dưỡng.
Gỏi mướp đắng ướp đá kèm ruốc
Mướp đắng 2 quả. Ruốc lợn (chà bông) 250gr.
Đá viên, màng bọc thực phẩm ( hoặc túi nilong bọc).
Nước lọc 4 muỗng. Đường 1 muỗng cà phê. Nước mắm 2 muỗng.
Ớt 1 quả. Tỏi 2 tép.
Sơ chế mướp đắng sạch, bỏ ruột, xắt miếng mỏng, ngâm nước muối loãng 5 phút, vớt ra, để ráo.
2 cách ướp mướp đắng với đá viên
1. Cho mướp đắng vào đĩa, bọc màng thực phẩm đặt vào ngăn đá tủ lạnh 10 – 15 phút hãy lấy ra.
2. Ướp mướp đắng với đá viên bằng cách đập nhỏ cho vào tô. Bọc màng thực phẩm, đặt mướp đắng thái lát lên trên màng bọc, ướp 30 – 40 phút là đủ mát.
Cách pha nước chấm cho món gỏi mướp đắng
– Lấy 4 muỗng nước chín, 1 muỗng càphê đường, 2 muỗng cà phê nước mắm. Vắt nước cốt chanh vào hỗn hợp trên là có chén nước trộn như ý.
– Lót đá viên vào đĩa, có thể bọc màng bọc thực phẩm rồi để mướp đắng lên trên để món ăn mát lạnh mà không bị ngấm nước đá.
Sau khi đổ mướp đắng lên đĩa nước đá thì rắc tiếp ruốc lên trên.
Khi sắp ăn mới rưới nước trộn đã pha lên trên cùng và thưởng thức món mướp đắng ướp đá kèm ruốc. Thành phẩm gỏi mướp đắng này ăn giòn, mát, ngon miệng mà không hề đắng.
Để ăn mướp đắng hiệu quả nhất
Chọn quả mướp đắng to vừa, màu non xanh mơn mởn, gai căng đều và còn xanh.
Tránh quả già, héo vì ăn sẽ xơ, không ngon.
Lưu ý:
– Mướp đắng có tính lạnh nên người bị lạnh không nên ăn.
– Không ăn mướp đắng khi bụng đói. Không lạm dụng ăn quá nhiều mướp đắng, cũng không thường xuyên ăn mướp đắng.
– Tránh uống trà ngay sau khi ăn mướp đắng kẻo ảnh hưởng dạ dày.
– Không kết hợp mướp đắng với sườn heo chiên hoặc măng cụt.
– Không nên ăn mướp đắng cùng các loại hải sản, vì vitamin C trong mướp đắng kết hợp với Asen có trong hải sản sẽ phản ứng làm cơ thể khó chịu, có thể gây ngộ độc.
– Không uống trà xanh sau khi ăn mướp đắng vì dễ bị kích ứng dạ dày. Nếu muốn uống trà xanh thì 1 – 2 giờ sau hãy dùng.
– Nếu đang dùng thuốc thì nên hỏi bác sĩ xem món ăn có chống chỉ định với thuốc không rồi hãy dùng.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/thang-5-am-co-9-ngay-goi-la-cuu-doc-nong-nhat-nam-ai-cung-nen-an-sieu-thuc-pham-nay-de-giai-doc-giai-nhiet-va-cac-mon-ngon-tu-no-172240619174720707.htm