Khi không khí Tết chưa xuất hiện trên phố phường đô thị thì ở các làng nghề công việc chuẩn bị hàng hóa, thực phẩm đã sôi động.
Những gian bếp luôn đỏ lửa
Càng gần Tết Nguyên đán, các HTX cũng như các làng nghề trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên càng tích cực đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là những sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết với tiêu chí bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm và ổn định giá bán.
Những ngày cuối năm, làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) đang tất bật chuẩn bị cho vụ Tết. Hộ gia đình nào cũng huy động thêm từ 3 – 5 nhân công để kịp tiến độ sản xuất. Theo bà Trần Thị Thu Hương, một người dân tại làng nghề, từng bó lá dong rừng sau khi nhập từ tỉnh Bắc Kạn về sẽ được rửa sạch, phơi ráo nước.
Các loại nguyên liệu khác cũng được lựa chọn kỹ lưỡng. Hạt gạo nếp Vải đặc sản phải đều, mẩy, không lẫn tạp, được gieo cấy ở vùng Phú Lương, Định Hóa. Đỗ xanh lòng vàng phải là loại 1. Hạt tiêu rang thơm tán nhỏ, trộn gia vị vừa phải. Nhân thịt lợn phải đủ tiêu chí tươi ngon. Để lưu giữ nét truyền thống và bảo đảm an toàn thực phẩm, bánh chưng của bà con sử dụng lạt buộc từ cây giang chứ không dùng dây nhựa.
“Bí quyết để bánh chưng Bờ Đậu thơm ngon nức tiếng là do nguyên liệu được chọn lọc kỹ, bánh gói chặt tay và luộc dền. Điểm đặc biệt khác là nguồn nước giếng khơi ở khu vực Bờ Đậu rất phù hợp, khi dùng luộc bánh chưng sẽ cho màu xanh đẹp mắt”, bà Hương chia sẻ.
Phát huy thế mạnh của làng nghề, từ năm 2021, HTX truyền thống bánh chưng Bờ Đậu đã được thành lập với 8 thành viên, chuyên sản xuất đặc sản bánh chưng đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình bà Nguyễn Bích Liên, Giám đốc HTX truyền thống bánh chưng Bờ Đậu đã nhận đặt hàng của khách khoảng 20.000 chiếc bánh.
“Dù số lượng lớn nhưng các thành viên HTX luôn nhắc nhau phải bảo đảm chất lượng và không tăng giá so với ngày thường”, bà Liên khẳng định.
Tương tự như làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, tại HTX miến Việt Cường (thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ), không khí sản xuất cũng đang rất nhộn nhịp để kịp phục vụ nhu cầu của thị trường Tết. Khu vực nhà xưởng rộng khoảng 300m2 của HTX gần như chất kín những bó miến dong. Bộ phận cắt, kiểm tra khối lượng, đóng gói và đóng dán nhãn đều hoạt động luôn tay.
Theo ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường, để bảo đảm năng lực sản xuất, HTX đã đầu tư thêm một máy lọc bột ly tâm và một số thiết bị khác với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. HTX cũng chủ động tích trữ nguyên liệu từ khoảng 2 tháng trước Tết và huy động thêm hàng chục lao động thời vụ, làm việc cả buổi tối. Về quy cách đóng gói, HTX cũng có nhiều cải tiến để bảo đảm thẩm mỹ và phù hợp với thị hiếu của khách hàng hơn.
“Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, năm nay, HTX miến Việt Cường mở rộng giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử. Nhờ đó, lượng đơn hàng tăng khoảng 20 – 25%. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, dự kiến HTX sẽ cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn miến”, ông Ba thông tin.
Đa dạng các loại hình phân phối
Với quan điểm tạo dựng uy tín lâu dài, HTX chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên) xác định các sản phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới phải đẹp về mẫu mã, bảo đảm chất lượng và có giá bán phù hợp. Bên cạnh việc tăng sản lượng, HTX cũng linh hoạt các hình thức bán hàng và đáp ứng những nhu cầu riêng của từng nhóm khách hàng về thiết kế bao bì, quy cách đóng gói sản phẩm phục vụ biếu, tặng…
“Cùng với nhóm khách hàng truyền thống, việc bắt nhịp xu thế chuyển đổi số, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội đã giúp các HTX, làng nghề trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn hàng mới”, bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt phân tích và cho biết, việc tăng tốc sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết sẽ giúp các đơn vị tăng doanh thu, người lao động có thêm thu nhập.
Theo Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, hệ thống phân phối hàng hóa bán lẻ trên địa bàn tỉnh gồm 140 chợ và hàng chục siêu thị, trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng kinh doanh thực phẩm. Nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương cùng các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung – cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024.
Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng đã tích cực tham gia các hoạt động bình ổn thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức các phiên chuyên bán hàng Việt lưu động tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng bán lẻ đã chuẩn bị tốt các mặt hàng thiết yếu, hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm, đầy đủ cho nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.
Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…