Tăng mạnh lượng thí sinh
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở đầu tiên mở cổng cho thí sinh đăng ký kỳ thi riêng nhằm lấy kết quả tuyển sinh đại học. Theo PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh – Hướng nghiệp nhà trường, chỉ sau hơn 1 ngày mở cổng đăng ký thi đánh giá tư duy (TSA) đợt 1 năm 2025, đã có hơn 13.000 thí sinh ghi danh. Số lượng thí sinh đăng ký đổ dồn vào ngày đầu và sẽ tiếp tục tăng lên vì thời gian đăng ký từ ngày 1- 6/12.
Theo dự đoán, đợt 1 sẽ có khoảng 15.000 – 16.000 thí sinh đăng ký, tăng gấp 5 lần so với năm ngoái. Nguyên nhân là do năm nay Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy thay vì 6 đợt như năm trước nhưng số lượng thí sinh đăng ký tăng lên với khoảng 70.000 lượt.
Kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được khoảng 40 trường đại học sử dụng để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học, ngoài khối trường kỹ thuật còn có khối y dược, sư phạm, tài chính…
Với kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) – Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí cho hay, năm 2025, các đợt thi HSA dự kiến diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5/2025 với quy mô 85.000 lượt thi. Ngày 8/2/2025, trung tâm chính thức mở cổng đăng ký dự thi. Ngày 15/3/2025 dự kiến thí sinh sẽ dự thi đợt 1, đến ngày 17/5/2025 sẽ diễn ra đợt thi thứ 6. Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 6 đợt, bắt đầu từ ngày 23/3 đến ngày 2/6/2024 tại 19 địa điểm thi.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực (SPT) của trường năm 2025. Theo đó, năm 2025, số trường sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh đầu vào đã tăng lên là 22 đơn vị; trong đó có 9 trường cũ và 13 trường mới. Thí sinh có thể tham dự kỳ thi SPT ở 4 điểm: Đại học Sư phạm Hà Nội, Vinh, Quy Nhơn và Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng. Thời gian đăng ký dự thi từ 15/3 đến 15/4; trường dự kiến công bố điểm thi SPT trước ngày 15/6/2025.
2025 là năm thứ tư Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực. Năm ngoái, kỳ thi này thu hút, hơn 11.500 thí sinh đăng ký; tăng 2,5 lần so với năm 2023.
Tương tự, kỳ thi đánh giá của Bộ Công an cũng được tổ chức 3 năm qua; làm căn cứ xét tuyển vào các học viện, trường Công an Nhân dân. Với phương thức này, kết quả bài thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT sẽ chiếm 40% tổng điểm xét tuyển; kết quả bài thi đánh giá do Bộ Công an tổ chức sẽ chiếm 60% tổng điểm xét tuyển. Năm 2024 có khoảng 18.000 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá, tăng 20% so với năm 2023. Điều này cho thấy, thí sinh có xu hướng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các kỳ thi riêng.
Gia tăng số trường tổ chức kỳ thi riêng
Ngoài những kỳ thi riêng có thương hiệu đã nêu, tới đây, sẽ có một số kỳ thi riêng được các cơ sở đào tạo tổ chức, đó là kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm 2, thi đánh giá năng lực của Bộ Quốc phòng và kỳ thi V-SAT.
Năm 2025 ngoài các phương thức tuyển sinh như trước đây, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có thêm kỳ thi riêng do trường tổ chức.
Khối trường quân đội đang xây dựng phương án thí điểm tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng riêng từ 2025 theo hướng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh. Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực riêng của Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện trên máy tính.
Bài thi sẽ bao gồm kiến thức tổng hợp các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh, tổ hợp môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thí sinh sử dụng kết quả bài thi xét tuyển vào các trường, học viện quân đội với số chỉ tiêu khoảng 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Năm nay, thí sinh cũng quan tâm đến kỳ thi V-SAT – kỳ thi đánh giá đầu vào do các trường đại học phối hợp với Trung tâm khảo thí quốc gia (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Các trường tổ chức thi V-SAT tự chủ trong việc sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT; đồng thời ưu tiên công nhận và sử dụng chung kết quả của các kỳ thi V-SAT.
Hiện có 18 trường thỏa thuận tổ chức thi và sử dụng chung kết quả thi V-SAT để tuyển sinh năm 2025. Lý do bởi, bài thi V-SAT được đánh giá bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và có tính phân loại cao.
Việc các trường đại học mở nhiều kỳ thi riêng vừa cho thấy tính tự chủ trong tuyển sinh của các nhà trường, vừa đáp ứng nhu cầu của thí sinh. Trước băn khoăn của thí sinh về dự thảo thông tư sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng có hạn chế cơ hội xét tuyển và trúng tuyển của thí sinh không, Bộ GD&ĐT khẳng định những điều chỉnh không ảnh hưởng đến việc xét tuyển bằng chứng chỉ và kết quả các kỳ thi riêng của thí sinh. Dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh vẫn được tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau.
Từ hai năm nay, Bộ GD&ĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng, đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm xét tuyển bằng các phương thức theo lợi thế, năng lực, sở trường cũng như những minh chứng mình đã chuẩn bị.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tuyen-sinh-2025-cac-ky-thi-rieng-tiep-tuc-tang-suc-hut.html