Xin cho tôi hỏi các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) thay đổi thế nào khi cải cách tiền lương? – Độc giả Long Hồ
1. Cải cách tiền lương: Các khoản trợ cấp BHXH thay đổi thế nào?
* Theo điểm c khoản 3.1 tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 quy định việc xác định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới gồm:
– Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
– Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
– Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
– Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
– Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng.
* Cũng tại tiểu mục 6 Mục III Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 quy định về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong đó, có nhiệm vụ:
Sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương trong khu vực công và khu vực doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, kỷ luật, trả lương và quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong doanh nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đối tượng và tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm liên thông, tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan.
Như vậy, khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở mà hiện nay nhiều khoản trợ cấp BHXH được tính dựa trên mức lương cơ sở. Do đó, sẽ sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội theo hướng các khoản trợ cấp BHXH sẽ không còn tính dựa trên mức lương cơ sở mà sẽ quy thành một khoản tiền nhất định.
2. Các khoản trợ cấp BHXH được tính dựa trên mức lương cơ sở
Theo đó, các khoản trợ cấp BHXH được tính dựa trên mức lương cơ sở gồm:
(1) Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
(2) Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
– Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
– Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
(3) Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
(4) Trợ cấp suy giảm khả năng lao động (Điều 46, 47, 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
– Mức trợ cấp một lần: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
– Mức trợ cấp hằng tháng: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
– Trợ cấp phục vụ: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
(5) Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.
(6) Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật (Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.
(7) Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở (Điều 66, 80 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
(8) Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở (Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).