Mùa tuyển sinh năm nay, em Đỗ Bảo Long (18 tuổi, Đắk Lắk) trở thành tân sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu, thông báo trúng tuyển đi kèm số tiền cần phải đóng trước ngày nhập học, nam sinh và gia đình chuyển sang trạng thái lo âu.
Theo yêu cầu của trường, trước khi đến nộp hồ sơ nhập học trực tiếp, tân sinh viên phải tạm đóng một khoản học phí 15,1 triệu đồng/học kỳ (đã bao gồm tiền BHYT).
“Ngoài học phí nêu trên, khi đến làm thủ tục nhập học, tân sinh viên tiếp tục đóng các khoản gồm: tiền đồng phục (khoảng 800.000 đồng/sinh viên), tiền chụp ảnh và in thẻ sinh viên (50.000 đồng), tiền khám sức khoẻ (60.000 đồng). Tổng số tiền phải đóng trên 16 triệu đồng”, Long tính toán.
Nam sinh tâm sự, bố mẹ đều làm công nhân, tổng thu nhập khoảng 13 triệu đồng mỗi tháng. Dưới Long còn một em trai học lớp 9. Gia đình không mấy khá giả nên việc học đại học với nam sinh là cả sự nỗ lực, cố gắng.
10X tính phương án, sau khi ổn định việc học trên trường sẽ đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ trong các khoản chi trả ăn ở khi học đại học. “Trước mắt để giảm áp lực về tài chính, em cố gắng chi tiêu tiết kiệm”, Long nói.
Cùng chung nỗi niềm, em Trần Hồng Hạnh, tân sinh viên trường Đại học Đồng Nai cũng áp lực khi nhìn số tiền tạm đóng cho học kỳ 1.
Ngoài khoản học phí tạm thu hơn 6,7 triệu đồng cho học kỳ I năm học 2024-2025, nhà trường còn 8 khoản phụ thu khác cần đóng, gồm: tiền khám sức khoẻ 120.000 đồng; tiền bảo hiểm tai nạn tự nguyện 120.000 đồng; tiền bảo hiểm y tế bắt buộc 1,1 triệu đồng; tiền quần áo thể dục thể thao 150.000 đồng; học phí chứng chỉ kỹ năng sống 320.000 đồng, kiểm tra năng lực sinh viên chuyên tiếng Anh từ 100.000 – 120.000 đồng; làm thẻ sinh viên tích hợp thẻ thư viện 30.000 đồng; hồ sơ nhập học 50.000 đồng.
Tổng số tiền Hạnh phải đóng trong ngày đầu nhập học khoảng 9 triệu đồng. Ngoài các khoản đóng cho trường, gia đình cũng phải chuẩn bị cho con gái tiền mua laptop, thuê trọ và sinh hoạt phí tháng đầu. Cộng dồn chi phí cũng lên tới hơn 20 triệu đồng. “Để em được đi học đại học, có lẽ cả nhà đã phải cắt giảm chi tiêu, bớt tiêu sài rất nhiều mới đủ”, nữ sinh chia sẻ.
Phạm Hoài An, tân sinh viên trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng nhận được danh mục 4 khoản phí đầu năm. Trong đó, học phí tạm thu học kỳ 1 là gần 20 triệu đồng. Tiền khám sức khỏe đầu khóa học là 180.000 đồng, tiền bảo hiểm y tế hơn 1 triệu và bảo hiểm thân thể (tự nguyện) là 500.000 đồng.
Để có đủ tài chính cho con nhập học, bố mẹ Hoài An phải chắt góp từ nhiều tháng nay. Tính toán tiết kiệm nhất, trung bình mỗi tháng, nữ sinh học ở Hà Nội tốn ít nhất 8 triệu đồng bao gồm: 4 triệu đồng học phí, 4 triệu đồng tiền ăn ở, chi phí sinh hoạt.
”Bố mẹ em là lao động tự do, thu nhập không ổn định, tháng nhiều, tháng ít. Gần đây gia đình phải dồn tiền chữa bệnh cho ông nội nên kinh tế có phần suy giảm”, Hoài An nói và cho biết đậu vào trường mơ ướclà niềm vui lớn nhưng tới khi lên trường nhập học lại thấy nhụt chí vì học phí quá cao, tăng so với các năm trước. 10X lo lắng, khoản tiền lớn cho việc học đại học có thể khiến bố mẹ gặp áp lực tài chính.
Học phí hiện trở thành nỗi lo của nhiều tân sinh viên, khi phần lớn các trường đồng loạt thông báo tăng học phí trong năm 2024-2025. Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của Đại học Công thương TP.HCM, không thể phủ nhận nhiều ngành, nhiều trường có học phí khá đắt đỏ, đòi hỏi nguồn tài chính lớn nên sẽ trở thành thách thức với nhiều gia đình thu nhập thấp.
Tuy nhiên hiện nay, Chính phủ, trường học và nhiều tổ chức có chương trình hỗ trợ học phí và trao học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, tân sinh viên có thể tìm kiếm các cơ hội này để giảm gánh nặng tài chính cho gia đình.
Kim Anh
Nguồn: https://vtcnews.vn/cac-khoan-phi-bua-vay-tan-sinh-vien-con-di-hoc-ca-nha-phai-nhin-mieng-ar893095.html