Ngoài học phí và ăn ở, sinh viên quốc tế ở Mỹ cần chi trả nhiều khoản khác như bảo hiểm, sách vở, di chuyển.
Anh Nguyễn Ngọc Khương, chuyên viên tư vấn du học độc lập ở Mỹ, phân tích các khoản sinh viên phải chi trả trong 4 năm học tại đây:
Cost of Attendance (COA) là tổng chi phí khi du học, bao gồm học phí, phí ăn, ở, sách vở, bảo hiểm, di chuyển và sinh hoạt cá nhân. Thông thường, đại học Mỹ chia các chi phí này thành hai loại chính: Direct cost (phí trực tiếp) và Indirect cost (phí gián tiếp).
Nếu muốn tìm hiểu, bạn có thể lên Google gõ tên trường muốn học, sau đó thêm “COA” hoặc “Cost of Attendance” phía sau. Ví dụ, bạn gõ tìm kiếm “Duke University COA”, sau đó vào đường dẫn đến thẳng website của trường để xem số liệu chính xác nhất. Bạn sẽ thấy Duke liệt kê các khoản chi phí cho năm học 2023-2024 như sau: Học phí (tuition), phí ăn ở (housing and food), phí sách vở (books), phí sinh hoạt (personal expenses) và phí di chuyển (transportation). Tổng cộng là 90.366 USD (hơn hai tỷ đồng) một năm.
Phí trực tiếp (Direct cost)
Direct cost gồm: Học phí, phí ăn và phí ở. Đây là ba chi phí lớn nhất, thường chiếm hơn 95% tổng số tiền gia đình phải chi trả một năm cho con cái. Khoản này phải đóng thẳng cho nhà trường, do đó các gia đình có thể thương lượng với ban tuyển sinh hoặc văn phòng hỗ trợ tài chính để giảm chi phí.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng khi du học Mỹ hoặc bất cứ đâu, bạn cần cân nhắc cả phí ăn, ở. Ví dụ tại một trường đại học đắt nhất Việt Nam, phí ăn ở chỉ là 2.400 USD (gần 57 triệu đồng) một năm nhưng ở Mỹ, số này có thể cao gấp 6 hoặc 7 lần, dao động 11.000 USD-20.000 USD, tùy vị trí của trường. Chẳng hạn, University of Notre Dame thu phí ăn ở 17.378 USD (gần 412 triệu đồng) mỗi năm dù tọa lạc tại một thành phố nhỏ.
Riêng tiền ở, đa số đại học Mỹ buộc sinh viên phải sống trong trường hai năm đầu. Nếu chuyển ra ngoài ở, bạn sẽ tiết kiệm được khoảng 5.000 – 6.000 USD (118-142 triệu đồng) một năm.
Phí gián tiếp (Indirect cost)
Đây là các khoản phí dành cho sách vở, bảo hiểm sức khỏe, di chuyển và sinh hoạt cá nhân. Những khoản này thường không cố định, sinh viên có thể linh hoạt chi tiêu.
Ví dụ, Emory University ước tính phí sách vở là 1.250 USD (gần 30 triệu đồng) một năm nhưng đấy là khi sinh viên mua sách mới và phiên bản mới nhất. Nhưng bạn có thể mua sách cũ, thuê sách trên Amazon, mượn sách từ thư viện và tải sách trên mạng để giảm chi phí này.
Nhờ đó, khi còn là sinh viên, tôi không bao giờ tốn hơn 200 USD (4,7 triệu đồng) mỗi năm cho tiền sách vở. Đối với phí bảo hiểm sức khỏe, nếu chọn loại tốt nhất, bạn có thể tốn hơn 2.000 USD (47 triệu đồng) một năm, nhưng nếu dùng loại cơ bản, chi phí chỉ 300 USD (trên 7 triệu đồng).
Về di chuyển, thông thường sinh viên cần chi vé máy bay quốc tế và di chuyển nội địa. Nếu học sinh bay về Việt Nam mỗi năm một lần và chỉ dùng phương tiện công cộng, phí này sẽ thấp. Nhưng nếu mỗi năm du học sinh về nhà ba lần, mua xe riêng thì có khi phải bỏ ra khoảng 40.000 USD (hơn 947 triệu đồng) mỗi năm cho loại chi phí này.
Thực tế, nhiều đại học ở Mỹ thu các khoản phí trực tiếp rất đắt nhưng lại là những trường hào phóng về học bổng cho sinh viên quốc tế nhất. Chẳng hạn, năm vừa rồi, 45% sinh viên quốc tế ở Notre Dame được nhận học bổng và hỗ trợ tài chính để đóng một mức trung bình là hơn 19.600 USD (465 triệu đồng) một năm, thấp hơn nhiều so với chi phí gốc mà trường công bố là hơn 83.000 USD (trên 1,9 tỷ đồng). Trong khi đó, nhiều trường thu 50.000 USD nhưng cấp học bổng ít hơn.
Do đó, khi nộp hồ sơ ứng tuyển, các gia đình và học sinh nên tìm hiểu kỹ để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Nguyễn Ngọc Khương