Do thiên tai diễn biến phức tạp, các huyện đầu nguồn sông Tiền là Cai Lậy và Cái Bè (Tiền Giang) đang chủ động giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ sản xuất cũng như an toàn tính mạng, tài sản nhân dân theo phương châm “4 tại chỗ”.
Công trình Kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ được xây dựng ven sông Tiền với chiều dài 2.400m. Ảnh: Nhựt An/TTXVN
Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phan Thanh Sơn cho biết, để nâng cao hiệu quả ứng phó với thiên tai, năm 2024, huyện đã đầu tư trên 181,6 tỷ đồng thực hiện các công trình phòng, chống thiên tai, bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản phía Nam quốc lộ 1 và vùng trồng lúa chất lượng cao phía Bắc quốc lộ 1.
Tại huyện Cai Lậy, từ đầu năm 2024, địa phương đã thi công 21 công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương tiêu thoát lũ, làm cống đập ngăn mặn kết hợp ngăn lũ và triều cường với tổng kinh phí ước trên 7,5 tỷ đồng. Các công trình đang phát huy tốt hiệu quả ứng phó với thiên tai trong mùa mưa lũ 2024.
Với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt chia cắt, các huyện Cai Lậy, Cái Bè chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ hằng năm, gây nhiều hệ lụy. Trong đó, tình hình sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Theo thống kê, tại 2 địa phương hiện có hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ, kinh phí khắc phục ước tính cần 76 tỷ đồng. Do đó, lãnh đạo các huyện đầu nguồn sông Tiền yêu cầu, các xã, thị trấn khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; chủ động triển khai và quán triệt trong các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân về biện pháp ứng phó hữu hiệu. Trong đó, các bên liên quan ứng trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý tình huống khẩn cấp có thể xảy ra; thường xuyên cập nhật tình hình mưa lũ, diễn biến thiên tai, cảnh báo lũ lụt, triều cường để nhân dân biết, chung tay ứng phó, không để thiệt hại cho sản xuất và đảm bảo an toàn tính mạng người dân.
Các xã, thị trấn chủ động rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra, nhất là bão, lũ lụt, triều cường, sạt lở đất; đồng thời xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát lại hệ thống đê bao, bờ bao, khu vực thấp, trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố để gia cố, nâng cấp đê bao, bờ bao xuống cấp, trũng, thấp nhằm bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái, đặc biệt những cây có giá trị kinh tế cao; bảo vệ ao nuôi thủy sản, thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng, thấp… Đồng thời theo dõi, cập nhật chặt chẽ diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai để chủ động phòng tránh, ứng phó với dông, lốc, sét, mưa lớn, triều cường, sạt lở có thể xảy ra…