Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, rộng khắp, thu hút đông đảo bạn đọc tham gia. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, về những nội dung của Ngày sách.
– Trong Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay, Thư viện tỉnh Quảng Ninh có những hoạt động cụ thể như thế nào?
+ Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 tại Thư viện tỉnh Quảng Ninh, được triển khai thực hiện từ tháng 3 đến hết tháng 4/2023. Chuỗi các hoạt động hưởng ứng trọng tâm được tổ chức từ ngày 10/4 đến hết ngày 30/4.
Cụ thể, từ 1/4, Thư viện tỉnh trưng bày, giới thiệu sách dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với chủ đề “Kết nối tri thức số”, tại sảnh tầng 1 và không gian triển lãm với hơn 3.000 bản sách, báo, tạp chí về khoa học kỹ thuật, công nghệ số, bách khoa tri thức, các kiến thức tổng hợp về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó là không gian xếp sách nghệ thuật với nhiều mô hình đặc sắc, có ý nghĩa gắn với thông điệp “Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo” như “Chuyển đổi số”, “Lăng Bác”, “Ngọn lửa tri thức”, “Tri thức số”, số “21/4”.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động này là tọa đàm “Khơi nguồn ước mơ – Nâng tầm tri thức”, dự kiến diễn ra vào 9h ngày 21/4 tại hội trường Thư viện tỉnh. Khách mời tọa đàm là diễn giả Nguyễn Sơn Lâm, Thượng tá Trần Văn Đức, Phó trưởng Phòng An ninh mạng – Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh). Các diễn giả sẽ chia sẻ với bạn đọc về chủ đề “Khơi nguồn ước mơ”, chủ đề “Nâng tầm tri thức” thông qua việc đọc sách, cách chọn sách hiệu quả; phát huy vai trò của thanh niên trong việc chiếm lĩnh tri thức, phát triển văn hóa đọc trên nền tảng số.
Nhân dịp này, thư viện tỉnh cũng phối hợp với Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông AZ Việt Nam giới thiệu và bán sách giá ưu đãi dành cho nhân dân và khách tham quan trên địa bàn tỉnh, từ ngày 17/4-23/4. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh: Tổ chức tuyên truyền trên mạng xã hội, website, fanpage, treo các pano tại các không gian trưng bày trong và ngoài thư viện với các khẩu hiệu, danh ngôn về sách và văn hóa đọc; trưng bày một số hình ảnh về hoạt động của Thư viện tỉnh với việc xây dựng, phát triển phong trào đọc sách trên địa bàn tỉnh.
Các hoạt động tổ chức và hưởng ứng sẽ góp phần khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Ngày sách tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
– Được biết, chúng ta có những ý tưởng về đường sách, phố sách, công viên sách… nhằm thu hút, truyền cảm hứng, thúc đẩy cá nhân, gia đình, cộng đồng đến với sách. Việc này được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
+ Như chúng ta biết, những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Thư viện về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, hệ thống thư viện công cộng đã có những động thái tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo. Trong đó phải kể đến những ý tưởng về đường sách, phố sách, công viên sách… là những trung tâm về sách, không gian văn hóa sách nhằm thu hút, truyền cảm hứng, thúc đẩy cá nhân, gia đình, cộng đồng đến với sách. Từ mô hình một số đường sách ở các tỉnh, thành phố khiến chúng tôi cũng đã nảy sinh ra một số ý tưởng về các không gian tương tự tại đất mỏ Quảng Ninh, với mong muốn trở thành điểm nhấn trong quy hoạch phát triển văn hóa tại địa phương, để hình thành những trung tâm về sách, không gian văn hóa sách.
Tuy mới dừng lại ở ý tưởng nhưng chúng tôi cũng hy vọng sẽ sớm trở thành hiện thực. Để làm được điều này cần có sự chung tay hỗ trợ tích cực của nhiều ban, ngành, đoàn thể và cá nhân. Để củng cố và phát triển văn hóa đọc, thu hút nhiều bạn đọc đến với sách hơn, góp phần thực hiện ý tưởng xây dựng các không gian văn hóa đọc, Thư viện tỉnh hiện nay vẫn tiếp tục tổ chức tốt các hội sách trên địa bàn tỉnh; xây dựng, lồng ghép các hoạt động quảng bá văn hóa đọc với các hoạt động văn hóa của đất nước, địa phương, đơn vị; phát huy những mô hình, không gian văn hóa nhằm thu hút, truyền cảm hứng, thúc đẩy cá nhân, gia đình, cộng đồng đến với sách; hình thành thói quen đọc sách thường xuyên, trở thành nhu cầu tự thân của nhân dân, nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng lâu dài, bền vững. Các hoạt động cần được tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, chứ không riêng dịp 21/4.
– Thư viện đã có giải pháp gì để tăng cường vận động sáng tác nhiều tác phẩm văn học có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, trưng bày sách báo phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc?
+ Hiện nay, nhu cầu của bạn đọc đối với các tác phẩm văn học ngày càng đa dạng, phong phú. Với chức năng xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và tổ chức khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin phù hợp với đặc điểm, yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh, thư viện đã, đang và sẽ tăng cường phối hợp với Hội VHNT, Hội Nhà báo tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về việc tăng cường vận động sáng tác nhiều tác phẩm văn học, báo chí có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc. Xây dựng thư mục, tủ sách giới thiệu tác phẩm của các tác giả để phục vụ bạn đọc tại Thư viện. Trưng bày các tác phẩm văn học lồng ghép trong các kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa đọc tại Thư viện tỉnh và tổ chức các cuộc thi giới thiệu các tác phẩm văn học Quảng Ninh.
Thư viện phối hợp giới thiệu, hướng dẫn bạn đọc tiếp cận và thưởng thức các tác phẩm VHNT, báo chí có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, hướng dẫn cho bạn đọc tiếp cận và thưởng thức các tác phẩm có tính giáo dục tư tưởng tốt. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tọa đàm lý luận, phê bình, phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức các đợt trưng bày, triển lãm sách, báo nhằm tuyên truyền, lan tỏa văn hóa đọc. Đặc biệt, duy trì phối hợp tổ chức Hội Báo Xuân hàng năm, đồng thời trao tặng sách, báo cho các tủ sách vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
– Việc xây dựng các tủ sách, luân chuyển sách về cơ sở, nhất là vùng biên giới, hải đảo như chị vừa nói, được thực hiện ra sao?
+ Thư viện tỉnh thường xuyên tổ chức công tác luân chuyển sách về cơ sở, góp phần phong phú nguồn tài liệu cho các thư viện, tủ sách nhằm cung cấp thông tin, tri thức, rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị cho người dân. Đồng thời, khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Thư viện tỉnh đã có chủ trương đẩy mạnh “Hướng về cơ sở”, “Sách đi tìm người”, “Đưa sách, báo đến tận tay bạn đọc”, phối hợp với Phòng VH-TT, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa cấp huyện để khảo sát các điểm luân chuyển sách, căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng địa phương để chọn sách, đưa sách về phục vụ cho phù hợp, đúng đối tượng. Trong năm 2022, Thư viện tỉnh đã luân chuyển 22.400 bản sách cho 20 điểm thư viện, tủ sách cơ sở, điểm bưu điện văn hoá xã và thư viện trường học.
Công tác luân chuyển sách đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng sách, báo; làm phong phú thêm vốn sách, báo cho thư viện, tủ sách cơ sở; đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập, giải trí, tạo thói quen đọc sách, báo cho người dân. Bên cạnh việc luân chuyển sách, báo xuống các thư viện huyện, tủ sách cơ sở, Thư viện tỉnh phối hợp với ngành GD&ĐT luân chuyển sách, báo xuống các trường học, góp phần đa dạng nguồn sách trong các nhà trường, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh các cấp học. Cùng với luân chuyển sách, Thư viện tỉnh phối hợp với các trường học tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm cùng các diễn giả tuyên truyền văn hóa đọc, các gương sáng ham đọc sách; khơi dậy đam mê sách và thói quen đọc sách cho các em học sinh.
– Hưởng ứng Ngày sách năm nay, các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn các trang web, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các nền tảng xuyên biên giới chào bán sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền. Thư viện tỉnh Quảng Ninh sẽ góp phần vào công tác này như thế nào?
+ Hiện nay, lợi dụng mạng xã hội, không ít đối tượng chào bán sách lậu, sách giả, sách tăng giá so với giá bìa, thậm chí là sách có nội dung sai trái, độc hại, vi phạm Luật Xuất bản. Trước thực trạng đó, Thư viện tỉnh Quảng Ninh đã chủ động dùng nhiều biện pháp để góp phần vào công tác đấu tranh, ngăn chặn các trang web, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các nền tảng xuyên biên giới chào bán sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền.
Tăng cường tuyên truyền trên website, fanpage và mạng xã hội để nâng cao nhận thức, ý thức cho độc giả, nhân dân đối với việc thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống sách lậu, sách giả, sản phẩm vi phạm bản quyền. Lựa chọn các địa chỉ uy tín để bổ sung các loại sách, thận trọng khi mua và lựa chọn sách, nói không với sách in lậu, sách giả. Việc tuyên truyền, giáo dục về giá trị của sách, văn hóa đọc, cách phân biệt sách in lậu và sách giả được cụ thể hơn, phổ biến hơn để tránh việc người đọc có những nhận thức sai lầm, ham rẻ mà vô tình tiếp tay cho hành vi sai trái. Thường xuyên kiểm tra, rà soát sách được bổ sung hàng năm.
– Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!