Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị ban soạn thảo Luật Việc làm sửa đổi xem xét lại việc khống chế thời gian làm việc không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, hoặc không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ.
Tách hai nhóm học sinh và sinh viên để quản giờ làm thêm
Tổ chức Công đoàn cho rằng nội dung trên không phù hợp với Bộ luật Lao động, gây khó khăn cho sinh viên xa nhà, gia đình có thu nhập thấp, ảnh hưởng đến trang trải sinh hoạt và học tập.
Công đoàn đề nghị cần giới hạn sàn tối thiểu về mức lương, không thấp hơn lương tối thiểu giờ, tránh người sử dụng lao động trả lương quá thấp.
Về quản lý học sinh sinh viên làm thêm giờ, đây là trách nhiệm của ngành lao động – thương binh và xã hội, doanh nghiệp, không phải của các cơ sở giáo dục.
UBND TP.HCM đề nghị tách hai nhóm học sinh, sinh viên để quy định số giờ được phép làm việc trong kỳ học phù hợp, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên làm việc, có thu nhập cũng như trải nghiệm nếu sắp xếp được lịch học.
Trách nhiệm quản lý là người sử dụng lao động phải đăng ký với cơ quan chức năng khi thuê học sinh, sinh viên làm thêm giờ, thay vì giao các trường quản lý.
Ủy ban Dân tộc cho rằng các cơ sở giáo dục chỉ quản lý học sinh, sinh viên tham gia học tập qua kết quả, thành tích học tập hoặc rèn luyện, nên việc quản lý làm thêm giờ khó khả thi.
Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7. Lương tối thiểu vùng có lương tối thiểu giờ và lương tối thiểu tháng, tức “sàn” thấp nhất phải trả cho người lao động.
Cụ thể, vùng I tăng lên thành 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ và vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Đề nghị hỗ trợ cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, tình nguyện
Góp ý cho dự luật, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung đối tượng được hỗ trợ vay vốn để tạo, duy trì, mở rộng việc làm với lãi suất thấp.
Đó là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án hoặc trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế – quốc phòng.
Còn Bộ Quốc phòng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định chính sách hỗ trợ việc làm cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, công nhân/viên chức quốc phòng thôi việc còn tuổi lao động. Có chính sách hỗ trợ việc làm cho thân nhân của quân nhân chưa có việc ổn định, hỗ trợ đào tạo nghề với hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự…
Về vốn vay giải quyết việc làm, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nêu cần huy động tất cả nguồn lực từ tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tổ chức Công đoàn đề xuất người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp song chưa qua đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ học tập, nâng cao kỹ năng, thi chứng chỉ nghề.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Việc làm sửa đổi và kết thúc nhận ý kiến vào ngày 19-5.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cac-gop-y-moi-ve-quan-ly-sinh-vien-lam-them-gio-20240508154940235.htm