Các giáo sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ các trường đại học Harvard, Columbia, Yale của Hoa Kỳ đã đề xuất, khuyến nghị các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế cho Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm chính sách với các giáo sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ các trường đại học Harvard, Columbia, Yale. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì tọa đàm chính sách có chủ đề: “Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động” với các giáo sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ các trường đại học Harvard, Columbia, Yale.
Tham dự cuộc tọa đàm có các đại biểu của trường Harvard Kennedy gồm GS. Anthony Saich, Giám đốc Viện Nghiên cứu Rajawali về châu Á; ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam; GS. David Dapice, Kinh tế trưởng, Chương trình Việt Nam; TS. Nguyễn Xuân Thành, cán bộ nghiên cứu cao cấp Harvard Kennedy, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright; trường Columbia gồm: GS. Shang Jin-Wei, GS. Nguyễn Thị Liên Hằng; trường đại học Yale có GS. Erik Harms, Trưởng khoa Đông Nam Á…
Việt Nam ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Phát biểu tại toạ đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vừa qua là dấu mốc lịch sử, nâng tầm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, vì thịnh vượng của hai nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân hai nước.
Trong đó, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là nền tảng, trọng tâm và động lực; hợp tác khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo là đột phá.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường đối thoại, trao đổi, tư vấn chính sách về các vấn đề kinh tế, phát triển với các trung tâm nghiên cứu hàng đầu của thế giới.
Khái quát tình hình thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cục diện kinh tế và chính trị toàn cầu đang đứng trước những biến chuyển sâu nhanh, rộng nhất trong nhiều năm qua.
Trước tình hình khó khăn ấy, Thủ tướng cho biết, Việt Nam nỗ lực tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường đối thoại, trao đổi, tư vấn chính sách về các vấn đề kinh tế, phát triển với các trung tâm nghiên cứu hàng đầu của thế giới. |
Kết quả nổi bật nhất của Việt Nam là nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; tăng trưởng được thúc đẩy; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi ngân sách nhà nước và nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao tình hình và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho biết, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Về những định hướng lớn trong đường lối phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, Thủ tướng cho biết tiếp tục kiên định, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Việt Nam ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; qua đó tạo việc làm, sinh kế, thu nhập cho người dân, đồng thời cũng tạo nền tảng để giữ vững ổn định vĩ mô. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Việt Nam tập trung thúc đẩy, tạo nền tảng vững chắc và những yếu tố đột phá cho tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong trung hạn, dài hạn; thực hiện nhất quán chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Theo đó, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, hệ thống kết cấu hạ tầng. Tạo chuyển biến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế (cả giữa các ngành và nội ngành) gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế.
Tập trung củng cố, nâng cao vai trò của kinh tế nhà nước; nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; phát triển mạnh kinh tế tư nhân là một động lực của nền kinh tế; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; trong đó chú trọng thúc đẩy liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các thành phần kinh tế, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Chú trọng phát triển những ngành mới nổi (như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), chuyển đổi năng lượng xanh, thương mại điện tử…).
Thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tăng cường liên kết vùng, phát triển đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu… gắn với làm tốt công tác quy hoạch.
Lợi thế của Việt Nam
Tại tọa đàm các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình dự báo triển vọng kinh tế thế giới, nhận diện các thời cơ và thách thức; những vấn đề cần lưu ý và khuyến nghị, giải pháp, chính sách cần thiết cho phát triển bền vững trong trung hạn, dài hạn của Việt Nam.
Thủ tướng với các đại biểu là chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ tại tọa đàm. |
Các đại biểu cũng thảo luận những giải pháp, cơ chế, chính sách cần thực hiện để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao tính tự cường, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế.
Đồng thời, đề xuất, khuyến nghị các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo; xác định lộ trình, các bước đi cụ thể trong triển khai công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện mới gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững…; đề xuất các biện pháp thúc đẩy, hiện thực hoá quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, phát huy lợi thế của mỗi nước, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm, động lực của quan hệ hai nước.
Theo GS. Thomas Vallely, Việt Nam đã làm rất tốt việc xác định và phân tích các vấn đề của mình, cũng như tìm phương cách giải quyết vấn đề. Qua đó, Việt Nam đã có những quyết sách rất đúng đắn khi xử lý các tình huống khủng hoảng, như vừa qua là đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong vấn đề tiêm chủng, khi Chính phủ đã chuyển hướng kịp thời trong công tác phòng, chống dịch và huy động được nguồn vaccine từ khắp thế giới.
Ông đánh giá cao việc ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, Chính phủ Việt Nam đã cùng Chính phủ Mỹ xây dựng kế hoạch chương trình hành động để cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đặc biệt là trong phát triển các ngành mới nổi.
Theo Giáo sư David Dapice, Kinh tế trưởng, Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ hội nhập kinh tế nhanh nhất thế giới, chắc chắn tăng trưởng của Việt Nam chịu ảnh hưởng của tăng trưởng trên thế giới và khu vực.
“Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới năm tới chậm hơn dự báo do ảnh hưởng an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, chiến tranh. Các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á… đều sẽ bị chậm lại. Điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Những biến động về địa chính trị cũng sẽ làm gia tăng chi phí”, ông David nói và đặt câu hỏi Việt Nam cần làm gì?
Việt Nam có khả năng cao thu hút FDI, sản xuất hàng xuất khẩu da giầy, dệt may có xu hướng dịch chuyển bởi sản xuất hàm lượng công nghệ thấp không giúp đem lại giá trị gia tăng cho Việt Nam. Do đó, “Việt Nam cần gia tăng hàm lượng trong nước trong các mặt hàng xuất khẩu của mình, thúc đẩy hơn nữa quy mô hoạt động xuất khẩu, gia tăng giá trị các sản phẩm xuất khẩu để Việt Nam có vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng”, vị Giáo sư nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng là điều vô cùng cần thiết, Việt Nam không thể làm một mình. cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có sẵn, trước hết nâng cao kỹ năng của họ.
Minh chứng về đất nước Ấn Độ, nơi đã đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin từ những năm 70, hiện số lượng IT của nước này đang chiếm 1% nhân lực lĩnh vực này của thế giới. Chính vì vậy, ông David Dapic cho rằng, Việt Nam nên nghĩ đến điều này.
Ông cho rằng, Việt Nam cần đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu; nỗ lực hơn để bảo đảm tự cường kinh tế bởi Việt Nam có vị trí thuận lợi để tận dụng sự dịch chuyển đầu tư; tăng cường kỹ năng cho người lao động, có như vậy mới bắt kịp và vượt các nước trong khu vực.
Tại tọa đàm, tỷ phú gốc Việt Chính Chu đánh giá, nền kinh tế Việt Nam có tương lai tươi sáng với vị thế thuận lợi và đây là lúc Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình phát triển. Ông cho rằng cần tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong những ngành có giá trị cao như công nghệ, bán dẫn, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên, hướng tới vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng.
“Việt Nam không cần sản xuất máy móc như ti vi, máy rửa bát… Việt Nam cần hợp tác với Hoa Kỳ để sản xuất chip bán dẫn”, ông Chính Chu nói.
Đồng thời, ông Chính Chu khuyên Việt Nam nên lựa chọn phát triển chip công nghệ cao và mở rộng hướng hợp tác với EU như Anh, Đức, Pháp.
Lấy ví dụ từ Singapore, nước này đã thành lập các quỹ lớn của Chính phủ để thúc đẩy đầu tư là quỹ Temasek, ông cho rằng, Việt Nam nên theo mô hình này của Singapore. Chính phủ Singapore đã thành công trong thành lập và sử dụng các quỹ này, không chỉ giúp tăng đầu tư nội địa vào sản xuất mà còn đem lại lợi nhuận tốt cho người dân. Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của Singapore trong vấn đề này.
Toàn cảnh toạ đàm. |
Tỷ phú Chính Chu góp ý Việt Nam cần tăng cường hoạt động giáo dục – đào tạo và “có thể phải tăng 10 lần số lượng kỹ sư có tay nghề cao để phát triển ngành công nghệ cao”.
Ông nhấn mạnh trụ cột phát triển ngành công nghệ cao phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi, do đó cần đẩy nhanh quá trình này.
GS. Nguyễn Thị Liên Hằng, Đại học Columbia cho rằng Việt Nam đứng trước cơ hội để trở thành một nước mạnh ở cấp độ khu vực và toàn cầu; mong muốn ngày càng có nhiều hơn sinh viên Việt Nam theo học tại Đại học Columbia.
Gợi mở cách đương đầu với thách thức hiện nay, bà Hằng cho rằng, thách thức đối với các nước như Việt Nam sẽ có thể còn tạo ra cơ hội. Vấn đề là cần tận dụng cơ hội, do đó cần quản lý tốt cầu, thực hiện mạnh mẽ quá trình cải cách.
“Việt Nam cần có giải pháp kích cầu trong nước để bù đắp sự sụt giảm bên ngoài. Trong năm nay, năm tới, cần mở rộng”, bà Hằng nói.
Cần có lựa chọn ưu tiên
Phát biểu kết luận tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những trao đổi thẳng thắn của các giáo sư, chuyên gia kinh tế Mỹ.
Với các định hướng góp ý từ chuyên gia, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng “cần lựa chọn ưu tiên”, chủ yếu tập trung vào những ngành mới nổi là kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Đi theo với đó là đầu tư hạ tầng thông tin, năng lượng, xã hội.
Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới sẽ có dịp tiếp tục trao đổi, thảo luận chuyên sâu, cụ thể về từng nội dung trong các đối thoại chính sách, các nghiên cứu chuyên đề. |
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam phải có bước đi phù hợp điều kiện của một nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế vừa phải, độ mở nền kinh tế cao, khả năng thích ứng còn hạn chế.
Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới sẽ có dịp tiếp tục trao đổi, thảo luận chuyên sâu, cụ thể về từng nội dung trong các đối thoại chính sách, các nghiên cứu chuyên đề… để tiếp tục phục vụ ngày càng thiết thực, hiệu quả cho quá trình phát triển của Việt Nam.
Trong suốt chặng đường đổi mới và phát triển hơn 35 năm qua, Việt Nam luôn hết sức trân trọng sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các đối tác quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ. Thủ tướng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được hỗ trợ, chung tay của Đại học Harvard, Đại học Columbia và các cơ sở giáo dục khác của Hoa Kỳ, nhất là về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và tư vấn chính sách. Đây cũng là một nội hàm rất quan trọng của Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững Việt Nam-Hoa Kỳ.