Sunnie Nguyễn (17 tuổi, tên thật Nguyễn Hoàn Ngọc Anh) là du học sinh Việt thứ 5 ở Trường trung học Hamilton (TP.Adelaide) mất tích bí ẩn tại Úc thời gian gần đây. Giới chức nước này hôm 11.1 tuyên bố đã tìm thấy một người, song còn 4 trường hợp chưa có tin mới, trong đó có em mất tích đã hơn 4 tuần. Cảnh sát nhận định, 5 vụ mất tích không liên quan đến nhau và có thể các em đã đi qua tiểu bang khác.
Vụ 5 du học sinh Việt mất tích tại Úc: Chi tiết lạ ‘không thể nói tiếng Anh khi mới đến Úc
Trước sự việc này, nhiều người đặt vấn đề Úc đang có những chính sách, quy định và dịch vụ nào nhằm hỗ trợ, bảo vệ sinh viên quốc tế?
Những động thái mới
Ở cấp chính phủ, Úc hiện áp dụng bộ luật Dịch vụ giáo dục dành cho sinh viên quốc tế (ESOS Framework), gồm đạo luật ESOS 2000, quy chuẩn thực hành quốc gia đối với sinh viên quốc tế dành cho cơ quan quản lý đăng ký và nhà cung cấp dịch vụ GD-ĐT 2018 (National Code), dịch vụ bảo vệ học phí (TPS) cùng nhiều chính sách khác liên quan đến lĩnh vực giáo dục quốc tế.
Bộ luật ESOS yêu cầu các cơ sở giáo dục được cấp phép trên toàn nước Úc phải đáp ứng tiêu chuẩn nhất quán về cung cấp giáo dục, cơ sở vật chất và dịch vụ, đồng thời bảo vệ quyền lợi học phí cho sinh viên quốc tế nếu bị từ chối thị thực hoặc các trường hợp liên quan. Song, để được Bộ luật ESOS bảo vệ, sinh viên quốc tế phải đến Úc bằng thị thực du học chứ không phải các loại thị thực khác.
Đến tháng 12.2023, trước nhiều vấn đề như khủng hoảng nhà ở, lợi dụng thị thực du học để trốn đi làm, nạn bóc lột người lao động trong đó có du học sinh, chính phủ Úc chính thức công bố chiến lược nhập cư mới, vạch ra 8 hành động chủ chốt trong đó có ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục quốc tế. Động thái này nhằm đảm bảo tính trung thực của cả hệ thống và bảo vệ du học sinh tốt hơn.
Một trong những quyết định mới là tăng yêu cầu về tiếng Anh để các bạn đủ khả năng theo học. Cụ thể, từ năm 2024, du học sinh phải đạt IELTS 6.0 (hoặc chứng chỉ khác tương đương) thay vì 5.5 như trước nếu muốn nộp đơn xin thị thực, và IELTS 6.5 thay vì 6.0 với thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp. Với các ứng viên du học Úc chương trình tiếng Anh ELICOS hay khóa dự bị ĐH, con số này lần lượt là IELTS 5.0 và 5.5.
Ngoài ra, Úc còn đưa ra nhiều cam kết khác để bảo vệ quyền lợi của du học sinh, như củng cố và đơn giản hóa thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp; hạn chế việc “nhảy” thị thực; tăng cường yêu cầu đối với các nhà cung cấp giáo dục quốc tế… Quốc gia này cũng tăng yêu cầu chứng minh tài chính, đồng thời rút ngắn thời hạn làm việc sau khi tốt nghiệp với hệ thạc sĩ ứng dụng (từ 3 xuống 2 năm) và tiến sĩ (từ 4 xuống 3 năm).
Sau khi đến Úc, một trong những lựa chọn phổ biến của du học sinh dưới 18 tuổi là sống ở nhà người bản xứ (host), như trường hợp của nữ sinh Sunnie Nguyễn. Và để được nhận sinh viên quốc tế vào ở, host phải đăng ký và trải qua quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt từ phía nhà trường, chính phủ hoặc công ty trung gian, theo ông Vũ Thái An, Giám đốc Công ty du học GLINT (TP.HCM).
“Loại đầu tiên gọi là host family vì du học sinh khi đến nhà sẽ được xem như một thành viên trong gia đình, được nấu ăn, chăm sóc và đối xử thân tình. Loại host thứ hai gọi là homestay, hình thức tương tự thuê trọ tại Việt Nam, tức du học sinh trả tiền định kỳ cho chủ nhà, song các bạn cũng có thể được bao ăn, giặt giũ quần áo”, ông An thông tin.
Nhiều hỗ trợ về thể chất, tinh thần
Cũng theo chính phủ Úc, cơ sở giáo dục ở các cấp học đều có đội ngũ cán bộ, nhân viên (thường gọi là cố vấn sinh viên quốc tế) với nhiệm vụ chăm sóc phúc lợi và an sinh cho du học sinh, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, ví dụ như tư vấn tâm lý 1:1. Nhiều thành phố, thị trấn tại Úc cũng có các trung tâm hỗ trợ dành riêng cho sinh viên quốc tế gọi là international student hub.
Điểm đặc biệt là hầu hết các dịch vụ này đều miễn phí vì ưu tiên hàng đầu của chính phủ lẫn các trường Úc là sự an toàn và well-being (tạm dịch: sự khỏe mạnh và hạnh phúc) của du học sinh, theo ông Andy Phạm, Quản lý cấp cao khu vực Mê Kông của ĐH Quốc gia Úc (ANU). “Riêng với dịch vụ khám sức khỏe, nhiều lúc các bạn không cần phải trả hoặc trả phí rất ít” , ông Andy nói thêm.
Ông Andy cũng cho hay, đối với những trường hợp dưới 18 tuổi, nếu muốn được nhận vào học, sinh viên quốc tế phải thỏa mãn cả 2 điều kiện: có chỗ ở (chẳng hạn như ký túc xá trong trường hoặc homestay được trường chấp thuận) và đăng ký quyền giám hộ với một trong 2 công ty được chỉ định (PSC hoặc ISA). Đây là quy định nhằm bảo vệ các em học sinh chưa đến tuổi trưởng thành theo luật định.
“Như ở ANU, chúng tôi chỉ nhận du học sinh dưới 18 tuổi đa phần vào kỳ nhập học tháng 2 hằng năm, do lúc đó có nhiều phòng ký túc xá trống cho các bạn. Đối với kỳ tháng 7, trường sẽ chỉ nhận nếu du học sinh có phụ huynh đi kèm cho đến khi đủ 18 tuổi, hoặc các bạn có người thân ruột thịt ở thủ đô Canberra (là nơi trường ANU tọa lạc – PV)”, ông Andy thông tin.
Nam quản lý có nhiều năm sống ở Úc cũng lưu ý, dù xứ sở chuột túi được đánh giá là an toàn hàng đầu thế giới nhưng du học sinh Việt cũng nên học cách bảo vệ bản thân, vì “trường hợp cá biệt ở đâu cũng có thể xảy ra”. “Tránh về nhà quá khuya, không đeo tai nghe nếu đi trên những cung đường vắng hay lập tức gọi số 000 cho cảnh sát khi gặp nguy hiểm… là những mẹo nhỏ cần biết”, ông Andy khuyên.