Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp.
Viettel Việt Nam là một ví dụ về việc đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam thoát ra khỏi ‘vùng an toàn’ và vươn tầm quốc tế. (Nguồn: Viettel Telecom) |
Theo báo cáo từ Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD).
Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp.
Kết quả là trong Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28%; thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%.
Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018, lên tới 60% năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.
Ông Trần Quốc Khánh nói: “Theo các kết quả ghi nhận được, các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng.
Các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu là đầu tư vào giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam”.
GS danh dự Đại học bang California, Fullerton, bà Nancy Elizabeth Snow cũng đánh giá, danh tiếng Việt Nam trên thị trường quốc tế ngày càng gia tăng. Việt Nam có nhiều thương hiệu quốc gia tốt song cần phát triển thương hiệu sản phẩm ra toàn cầu.
Chia sẻ về kinh nghiệp quốc tế trong xây dựng và phát triển thương hiệu, GS. Nancy Elizabeth Snow cho hay, những “thương hiệu toàn cầu tốt nhất” đều có 2 yếu tố đó là danh tiếng và niềm tin.
“Một thương hiệu thành công, dù là một quốc gia hoặc một sản phẩm, không hơn không kém chính là danh tiếng, tên tuổi của một cá nhân hay tổ chức. Niềm tin của người tiêu dùng vào sự giới thiệu sản phẩm, lời cam kết của dịch vụ chính là chìa khóa để một thương hiệu lớn mạnh”, bà nói.
Còn ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á-Thái Bình Dương thì nhận thấy, Việt Nam khác các quốc gia khác là tiềm năng phát triển kinh tế lớn. Khảo sát các chuyên gia kinh tế trên thế giới đều tin rằng, Việt Nam có tinh thần khởi sự kinh doanh rất cao.
Xây dựng thương hiệu chính là xây dựng sức mạnh mềm cho Việt Nam. Các trụ cột cơ bản trong xây dựng sức mạnh mềm ở Việt Nam gồm: Kinh doanh, thương mại; quản trị; quan hệ quốc tế; văn hóa di sản; truyền thông; con người và giáo dục; tương lai bền vững…
Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á- Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm thế nào để Việt Nam trở nên thân thuộc, ai cũng biết đến Việt Nam, tạo làn sóng lan toả… Viettel Việt Nam là một ví dụ về việc đưa thương hiệu Việt Nam thoát ra khỏi ‘vùng an toàn’ và vươn ra tầm quốc tế.
Qua Viettel, thế giới biết đến Việt Nam. Đất nước cần xây dựng nhiều thương hiệu đạt tầm quốc tế để nói đến những thương hiệu này ai cũng biết đến Việt Nam. Công cuộc này không phải chỉ của Chính phủ mà của cả người dân, nghệ sỹ, cơ quan truyền thông … để thế giới hiểu hơn về Việt Nam”.