Mùa đông ở các tỉnh miền núi phía Bắc là mùa săn mây với “đặc sản” là những những biển mây trắng chỉ xuất hiện ở một số địa điểm nhất định.
Lào Cai được biết đến là một trong những tỉnh có nhiều điểm săn mây đẹp nhất ở miền núi phía Bắc. Địa điểm săn mây nổi tiếng nhất là đỉnh Fansipan (3147,3 m), “nóc nhà Đông Dương” nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Huyện Bát Xát có hai điểm săn mây nổi tiếng là “Thiên đường mây Y Tý” nằm ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Y Tý và Ngải Thầu, một xã vùng cao giáp biên của huyện. Du khách cũng có thể trekking và camping ở Lảo Thẩn, “nóc nhà Y Tý” (2.860 m) hoặc đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (3.046 m) để săn mây, ngắm sao.
Địa điểm săn mây ít được nhắc đến ở Lào Cai là thôn Hầu Chư Ngài nằm ở độ cao 1.700 m thuộc Sa Pa, nơi có vị trí ngắm toàn cảnh biển mây trắng trên thung lũng Tả Van, theo trang web Cổng thông tin Du lịch tỉnh Lào Cai. Ảnh: Nguyễn Ngọc Minh
Nằm ở độ cao 1.500 – 1.800 m so với mực nước biển, Tà Xùa thuộc địa phần huyện Bắc Yên được mệnh danh là “thiên đường mây” với những thung lũng mây rộng lớn, vô tận. Tháng 1 – 3 là thời điểm thích hợp nhất để săn mây ở đây, theo trang web Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Háng Đồng, xã vùng cao thuộc huyện Bắc Yên, là một trong những nóc nhà của tỉnh Sơn La với độ cao trên 2.000 m. Địa hình ở đây như một lòng chảo khổng lồ, tựa lưng vào dãy Tà Xùa nguyên sinh phía sau, mặt hướng về huyện Bắc Yên nằm phía dưới thung lũng. Thởi điểm thích hợp để săn mây ở Háng Đồng là vào khoảng tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Khi trời chuyển lạnh kèm theo những cơn mưa phùn cùng độ ẩm cao, là điều kiện lý tưởng để biển mây xuất hiện vào mỗi sáng sớm. Ảnh: Nguyễn Ngọc Minh
Địa điểm săn mây nổi tiếng tại Hà Giang là đèo Mã Pì Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, cung đường nối liền giữa thị trấn Đồng Văn và huyện Mèo Vạc. Săn mây trên đèo Mã Pì Lèng, du khách còn có thể ngắm nhìn dòng sông Nho Quế xanh ngọc uốn lượn dưới hẻm vực Tu Sản.
Du khách cũng có thể kết hợp trekking, cắm trại và săn mây vào thời điểm cuối năm ở Hà Giang. Các đỉnh núi thường được lựa chọn trekking để săn mây là Tây Côn Lĩnh (2.428 m), đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc và đỉnh Chiêu Lầu Thi (2.402 m), ngọn núi cao thứ hai của Hà Giang, theo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Ngọc Minh
Là một trong tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng của Việt Nam, đèo Ô Quy Hồ có 2/3 cung đường thuộc huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu, phần còn lại thuộc Sa Pa, Lào Cai. Nằm ở độ cao 2.000 m trên dãy Hoàng Liên Sơn, khu vực cổng trời Ô Quy Hồ là địa điểm du khách không nên bỏ lỡ nếu muốn chiêm ngưỡng biển mây bao phủ khắp các đỉnh núi, những cung đường đèo uốn lượn và những thửa ruộng bậc thang.
Đỉnh Long Tỷ Phùng cao hơn 1.100 m là một điểm săn mây gần trung tâm TP Lai Châu. Biển mây thường chỉ xuất hiện vào buổi sáng. Khi mặt trời lên, du khách sẽ nhìn thấy là toàn cảnh TP Lai Châu sau bức màn mây.
Sìn Hồ là một huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu. Tuy đường xa và khó đi song hiếm có nơi nào có biển mây nhuộm màu vàng óng bởi ánh nắng lúc hoàng hôn như ở đây. Du khách có thể di chuyển đến làng Mô để chiêm ngưỡng biển mây cuộn dưới chân giữa không gian núi rừng, theo cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu, trang web Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Ngọc Minh
Tà Chì Nhù thuộc bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu xếp thứ 7 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam với độ cao 2.979 m. Tà Chì Nhù nổi tiếng là “thiên đường mây nơi hạ giới”. Đến đây vào thời điểm tháng 10, tháng 11, ngoài đại dương mây cuồn cuộn trên đỉnh núi, du khách còn được chìm trong sắc tím bạt ngàn của màu hoa chi pâu, theo trang web Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Những dải mây mềm như lụa, lượn qua các eo núi rồi cuộn lên trùm qua những đỉnh núi cao, tràn ra khắp không gian rộng lớn tạo nên biển mây trắng xóa vô tận trước mắt khiến du khách ngỡ ngàng. Ảnh: Nguyễn Trọng Cung
Mẫu Sơn thuộc vùng núi cao của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình với khoảng 80 ngọn núi to nhỏ nằm liền bên nhau. Các đỉnh núi cao nhất là Phia Pò (Núi Cha) cao 1.541 m, đỉnh Phia Mè (Núi Mẹ) cao 1.520 m.
Nhìn từ trên cao, Mẫu Sơn hiện ra với những dải núi đồi trùng điệp, xen kẽ là những thung lũng nhỏ hẹp. Khu vực “sống lưng khủng long” ở Mẫu Sơn là một sườn núi dốc với một con đường mòn ở giữa, hai bên là vách núi cao tạo nên hình dáng độc đáo như lưng của khủng long, tương tự như “sống lưng khủng long” ở Tà Xùa.
Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau là khoảng thời gian lý tưởng để săn mây trên đỉnh Mẫu Sơn. Vào mùa đông, những đám mây quấn quanh các ngọn núi, sà xuống khu vực rừng nguyên sinh. Bước đi trên đỉnh Mẫu Sơn như đang dạo trong chốn bồng lai tiên cảnh. Mẫu Sơn là một trong số ít những địa điểm tại Việt Nam xuất hiện băng tuyết vào mùa đông để du khách đến khám phá, theo trang web Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn. Ảnh: Lưu Minh Dân
Cao Bằng có nhiều đỉnh núi cao trên 1.000 m so với mực nước biển, trong đó Phia Oắc (huyện Nguyên Bình) cao 1.931 m, là đỉnh núi cao thứ hai của tỉnh (sau núi Phia Dạ thuộc xã Sơn Lập, Bảo Lạc cao 1.987 m). Mùa mây ở Phia Oắc kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, đặc biệt vào tháng 2 xuất hiện những luồng mây dày sà xuống khu rừng vào sáng sớm hoặc hoàng hôn.
Ở huyện Bảo Lạc, “cổng trời” Phan Thanh nằm ở độ cao trên 1.000 m là điểm săn mây ít người biết. Trên đường đi từ xóm Lũng Nà, xã Thượng Hà sang xã Cô Ba (Bảo Lạc), du khách cũng có thể vô tình bắt gặp những biển mây.
Vùng Lục Khu của huyện Hà Quảng là “cao nguyên đá” của Cao Bằng bởi khung cảnh những dãy núi đá hoang sơ và cuộc sống của người dân gắn liền với đá. Đây là địa điểm săn mây hoang sơ ít người biết ở Cao Bằng. Vào các buổi sáng sớm mùa đông, biển mây bao quanh những đỉnh núi, che khuất cả bản làng dưới thung lũng, theo cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Minh
Với địa hình đồi núi cao, khí hậu lạnh, Điện Biên có rất nhiều điểm xuất hiện biển mây đẹp vào mùa đông. Gần trung tâm TP Điện Biên Phủ có khu vực bản Kê Nênh, bản Nà Nghè, xã Thanh Minh, nơi nhiều du khách, nhiếp ảnh gia đến chụp ảnh, ngắm biển mây. Xa hơn có đèo Tằng Quái với biển mây phủ kín thung lũng Mường Ảng; đỉnh Chóp Ly ở huyện Điện Biên Đông với những dải mây trắng bồng bềnh lơ lửng bên triền núi; khu vực huyện Nậm Pồ, Mường Nhé cũng thường xuyên xuất hiện biển mây.
Sáng sớm là thời điểm săn mây lý tưởng nhất, tuy nhiên độ dày, mỏng của mây có sự biến đổi theo thời gian và thời tiết. Nếu may mắn, du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh những dòng mây, suối mây ào ạt dâng lên lấp đầy thung lũng, theo trang web Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên. Ảnh: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên
Tuy không quá nổi tiếng về các địa điểm săn mây như Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang cũng có một số địa điểm xuất hiện biển mây như núi Pác Tạ; Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang; Hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình; thôn Cao Đường, xã Yên Thuận; đèo gà thuộc xã Tân Thịnh; xã Thanh Tương, Khau Tinh, Sinh Long, Thượng Giáp, Sơn Phú, Đà Vị.
Khung cảnh biển mây ấn tượng nhất là ở xã Hồng Thái vào sáng sớm. Mây từ thung lũng bay lên, tràn qua những thửa ruộng bậc thang, chồng thành từng lớp phủ trên đỉnh núi, theo cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Thung lũng Hang Kia – Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) nằm giữa giữa dải núi Xà Lĩnh và Lương Xa. Ở độ cao trung bình khoảng 900 m so với mực nước biển, khí hậu nơi này mát mẻ, quanh năm mây mù bao phủ. Đến đây, du khách thường tìm đến khu vực “cổng trời” để săn mây.
Biển mây ở Hang Kia – Pà Cò thấp hơn tầm nhìn, mang đến cho du khách cảm giác như đang đứng trên mây. Những lớp mây nằm ở lưng chừng như tấm vải trắng của thiên nhiên căng giữa hai dãy núi, trải dài vô tận. Vào lúc bình minh, khung cảnh ánh mặt trời rọi xuống biển mây tạo màu hồng cam mềm mại. Sau khi mặt trời đã lên cao, sắc mây chuyển về màu trắng xốp, vờn quanh những đỉnh núi nhấp nhô trùng điệp, theo trang thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Phạm Tú
Quỳnh Mai
Vnexpress.net