Nguồn cung dồi dào, sức mua chậm lại
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 8, nguồn cung hàng hóa bảo đảm, giá hàng hóa không có biến động bất thường so với tháng trước. Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng trong tháng 8 giảm so với tháng trước khi thời gian nghỉ hè kết thúc, nhu cầu đối với các mặt hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị, vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng do học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới.
Về giá, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng ổn định, mặc dù nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối tháng 7 âm lịch. Riêng giá lợn hơi tiếp tục có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào, một số địa phương xuất hiện trở lại dịch tả lợn châu Phi nên người chăn nuôi có xu hướng bán chạy dịch, đồng thời nhu cầu giảm do nhiều người có thói quen ăn chay trong tháng Bảy Âm lịch…
Tăng cường kích cầu tiêu dùng nội địa |
Ở chiều ngược lại, do ảnh hưởng của giá thế giới nên một số mặt hàng có xu hướng tăng giá như: xăng dầu, LPG, giá bán buôn đường kính trắng trong nước (riêng giá bán lẻ đường trong nước ổn định ở mức cao), giá gạo trong nước tăng khá mạnh, nhất là gạo nguyên liệu cho xuất khẩu (giá thóc, gạo tẻ thường ước tăng khoảng 500-1.500 đồng/kg, tùy loại và địa phương), một số loại phân bón như SA, Kali nhích nhẹ (các loại khác giữ ổn định). Một số mặt hàng có xu hướng giảm giá như: thép xây dựng, thức ăn hỗn hợp cho lợn…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).
Như vậy, từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế hàng tháng vẫn duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số. Song, xu hướng đang giảm dần sau từng tháng, cho thấy sức mua đang chậm lại.
Các địa phương “vào cuộc”
Để thúc đẩy phục hồi thị trường nội địa, các địa phương đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Đơn cử, để thực hiện kích cầu tiêu dùng nội địa, tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức được rất nhiều các hoạt động hội chợ, triển lãm, tuần xúc tiến sản phẩm… Điển hình như: Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Xuân 2023; Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2023; các địa phương tổ chức 7 hội chợ OCOP kết hợp thương mại; Hội chợ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Đây đều là những hoạt động hiệu quả để đưa các sản phẩm của Quảng Ninh đến gần hơn với đông đảo người tiêu dùng.
Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2021 đã tăng 5,73% cùng kỳ, năm 2022 tăng 24,4% cùng kỳ, dự kiến năm 2023 tăng 23,9%, dự kiến tăng bình quân giai đoạn 2021 – 2023 đạt 17,68%, cao hơn mục tiêu đề ra (mục tiêu tăng 17 – 18%).
Còn tại Hà Nội, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2023 sẽ tiếp tục là năm rất khó khăn đối với kinh tế cả nước nói chung và ngành công thương Hà Nội nói riêng, ngành sẽ tiếp tục kiên định và tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Trong tháng 5 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã phát động Chương trình khuyến mại tập trung TP Hà Nội năm 2023, giới thiệu chuỗi các hoạt động sự kiện khuyến mại trong khuôn khổ Chương trình kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11/2023.
Chương trình phát động sự kiện khuyến mại tập trung quy mô lớn, trọng tâm vào các tháng 5,7,11/2023 với mức giảm giá, khuyến mại lên tới 100% thu hút từ 1.000 – 2.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia. Chương trình nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kích cầu, tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Bà Trần Thị Phương Lan cho hay, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức chuỗi các sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại; kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam như chuỗi kết nối sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các sản phẩm làng nghề truyền thống; Tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm nông sản thực phẩm tại các kênh phân phối; tổ chức chuỗi kết nối sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các sản phẩm ngành dệt may; Hội chợ triển lãm hàng lưu niệm; tổ chức khu gian hàng Hà Nội tại các festival, hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố; Hội chợ hàng xuất khẩu Việt Nam; Lễ hội trái cây; Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố…
Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 11,8%; Hải Phòng và Cần Thơ cùng tăng 9,5%; Bình Dương tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,2%; Hà Nội tăng 6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,8%; Đà Nẵng tăng 3,1%.
Thị trường trong nước diễn biến ra sao trong những tháng cuối năm?
Theo Bộ Công Thương, ở trong nước, chỉ số giá tiêu dùng trong nước vẫn được đánh giá ở mức khá cao so với các năm trước đó. Tuy nhiên, việc tăng lương cơ sở từ 1/7 vừa thúc đẩy cầu trong nền kinh tế nhưng có thể sẽ gây ra những hệ lụy nhất định đối với doanh nghiệp, người lao động, nhất là vấn đề gia tăng mặt bằng giá cả trong nước.
Bên cạnh đó, công tác điều hành giá cả dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn với áp lực lạm phát gia tăng do giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước.
Từ những rủi ro, thách thức nêu trên, đòi hỏi toàn ngành không được lơ là, chủ quan, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đạt ra của ngành.
Do đó thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất lên Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường.
Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phối hợp với các đơn vị truyền thông chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.
Riêng với giá xăng dầu, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện việc tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tưởng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành Giá để giá xăng dầu trong nước có diễn biến phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới.
Đồng thời, sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới (khi giá thế giới tăng cao), góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu. Tiếp tục khôi phục Quỹ bình ổn giá để có dư địa điều hành giá khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, giá có xu hướng tăng cao.