Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, các địa phương không được lơ là trong công tác bảo vệ rừng; cần ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
Chiều ngày 5-5, tại điểm cầu Kon Tum, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến Công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024.
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2023, có 60/60 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng với diện tích rừng cả nước là hơn 14,8 triệu ha.
Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trong năm 2023, cả nước đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm với diện tích bị tác động là 1.047ha. 4 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động 182ha. Có 10 vụ chống người thi hành công vụ, làm 13 người bị thương và tử vong. Các vụ phá rừng chủ yếu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu lấy đất sản xuất nông nghiệp, khai thác lấy gỗ làm nhà, tập quán du canh… Diện tích rừng bị phá chủ yếu là diện tích rừng chưa được nhà nước giao, cho thuê, đang do UBND cấp xã quản lý…
Về công tác PCCCR, năm 2023, cả nước xảy ra 310 vụ, diện tích rừng bị ảnh hưởng là 674ha. 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng khoảng 498 ha. Quá trình tham gia chữa cháy đã làm 12 người tử vong, 6 người bị thương.
Nguyên nhân chính là do hiện tượng El Nino, nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, cộng với sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, dẫn đến cháy rừng.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND một số tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành Trung ương bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025; có chính sách đãi ngộ tương xứng cho kiểm lâm để yên tâm bảo vệ rừng và PCCCR.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ để bảo vệ rừng, PCCR trong thời gian tới. Cụ thể, yêu cầu Bộ NN-PTTN chủ trì, phối hợp các ngành tham mưu quản lý nhà nước về rừng và PCCR; có trách nhiệm tiếp nhận đầu mối các nhu cầu đầu tư, kinh phí của địa phương.
Bộ TN-MT chỉ đạo Trung tâm dự báo khí tượng quốc gia dự báo thời tiết đúng, kịp thời nhất có thể; giao Bộ TT-TT chỉ đạo các cơ quan truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền PCCR từ đây đến hết mùa khô.
Riêng đối với các địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc quản lý bảo vệ rừng, PCCR là công việc, trách nhiệm chính của các địa phương nên không được lơ là, chủ quan, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Các địa phương cần chuẩn bị chu đáo cho nguyên tắc 4 tại chỗ; rà soát lại phương án, kịch bản nào không còn hợp lý thì điều chỉnh; mong muốn các địa phương chăm lo hơn cho công tác phát triển, bảo vệ PCCR.
Ngoài ra, các địa phương cần ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đề nghị công an tỉnh tham mưu địa phương tuyên truyền ở góc độ địa phương về PCCR.
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác đã thăm, kiểm tra công tác bảo vệ, PCCR tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray; đến dâng hương tại Di tích lịch sử Điểm cao 995 – Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).
HỮU PHÚC
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cac-dia-phuong-can-ap-dung-cong-nghe-trong-phong-chong-chay-rung-post738506.html