Tin mới y tế ngày 9/7: Các dấu hiệu cảnh báo mắc u não Schwannoma
Một phụ nữ 55 tuổi, nhập viện do đau đầu âm ỉ, chóng mặt, buồn nôn, nghe kém, đi khám phát hiện u não.
Cảnh báo dấu hiệu u não
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tai trái nghe kém, đầu đau âm ỉ. Người bệnh tiền sử khỏe mạnh. Bác sĩ chẩn đoán u góc cầu tiểu não trái, chỉ định phẫu thuật.
Ảnh minh họa |
Kết quả giải phẫu bệnh là u Schwannoma, lành tính. Sau mổ, người bệnh tiếp tục xạ phẫu Gamma Knife, theo dõi biến chứng sau mổ. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tái khám sau một tháng, chụp định kỳ MRI sọ não sau 3-6 tháng.
Bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, u Schwannoma là bệnh lý ít gặp, tỷ lệ khoảng 4,4-5,2/100.000 người lớn mỗi năm.
Ở trẻ em và thanh thiếu niên, tỷ lệ này là 0,44/100.000 người. Đa số u Schwannoma lành tính, tỷ lệ khối u vỏ thần kinh ác tính chỉ có 0,03/100.000 trường hợp.
Khối u Schwannoma phát triển chậm, có thể tồn tại trong nhiều năm mà không có triệu chứng. U phát triển ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể như cổ, cánh tay, chân, tai trong, não.
Biểu hiện khác nhau như mất thính giác, ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng nếu u Schwannoma tiền đình; khó nuốt, liệt cơ mặt, ảnh hưởng đến chuyển động của mắt khi khối u phát triển ở dây thần kinh mặt; đau lưng nếu u dây thần kinh hông; u Schwannoma não gây đau đầu, mệt mỏi, ảnh hưởng tâm lý…
U schwannoma có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường ở độ tuổi 20-50. Bệnh được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có triệu chứng bất thường do khối u chèn ép các cơ quan lân cận.
Để điều trị, bác sĩ theo dõi điều trị triệu chứng và theo dõi định kỳ bằng các thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Với khối u nhỏ, u còn sót lại hay tái phát sau phẫu thuật, người bệnh được xạ phẫu (Gamma Knife, Cyberknife…). Trường hợp u lớn bác sĩ phẫu thuật loại bỏ.
Để phòng ngừa u não theo khuyến cáo của chuyên gia, người dân cần thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần, đặc biệt là những nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ mắc u não. Việc này giúp tầm soát ung thư để phát hiện cũng như ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh từ giai đoạn sớm.
Cuộc sống ngày nay nhiều áp lực, do vậy sau mỗi giờ lao động cũng như học tập căng thẳng, để tránh stress, người dân nên dành thời gian thư giãn thông qua một số hoạt động như tập luyện thể dục thể thao, nghe nhạc, đọc sách…
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, một chế độ dinh dưỡng cân bằng các loại thực phẩm, tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất sẽ mang lại những lợi ích sức khỏe tuyệt vời.
Môi trường chứa nhiều bức xạ cũng như hóa chất độc hại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho u não phát sinh. Chính vì thế, bạn nên chủ động hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và có nhiều bức xạ.
Bệnh viêm da bùng phát mùa nắng nóng
Chỉ trong vòng 1 tháng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP.HCM ghi nhận hơn 400 trường hợp nổi mề đay, trong đó nhiều trường hợp bệnh xuất hiện do đổi chỗ ở, đi du lịch xa… liên quan đến thay đổi môi trường sống.
TS.Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, đa phần các trường hợp nổi mề đay do thay đổi nơi ở (chuyển nhà mới, chỗ trọ, du lịch nơi xa) khi đến Bệnh viện điều trị có liên quan đến bụi do xây nhà, sửa nhà, tân trang nhà, nước sơn nhà mới, đặc biệt là dị ứng với không khí (bụi, phấn hoa, lông, cỏ) quanh khu vực sinh sống, nhiệt độ thay đổi…
Mề đay xuất hiện ở mọi lứa tuổi, triệu chứng điển hình như nổi mẩn đỏ, sẩn phù (các cục u hoặc sẩn màu đỏ nhạt trên da), ngứa ngáy, khó chịu, viêm nhiễm mỗi khi gãi hay chà xát, da nổi mụn nước.
Nghiêm trọng hơn có mề đay kèm phù mao mạch dị ứng, sưng phồng và bít tắc đường thở, phải cấp cứu, dễ gây chết não do ngạt thở, dễ gây tụt huyết áp, nguy hiểm đến tính mạng.
Nói về cơ chế nổi mề đay, bác sĩ Bích giải thích, khi phản ứng với các dị nguyên trong môi trường sống như: phấn hoa, lông thú, bụi, nhiệt độ… cơ thể giải phóng histamine và các chất trung gian làm các mạch máu nhỏ giãn nỡ và dịch từ mạch máu thoát ra, tích tụ trong da (phù mạch), gây viêm (nóng) và . Các vết sưng phù nhỏ hình thành do chất lỏng tích tụ dưới da.
Bác sĩ Bích cho biết bệnh mề đay được chia thành 2 loại: Cấp tính và mạn tính. Trong đó, cấp tính thường kéo dài từ 2-3 ngày, xuất hiện đột ngột, các nốt sần tập trung ở một số vùng da hoặc toàn thân.
Mề đay mạn tính kéo dài hơn 6 tuần, biểu hiện phát ban, nổi sẩn ngứa màu hồng, đỏ hay trắng nhạt trên da. Bệnh kéo dài dai dẳng và tái phát liên tục, làm thay đổi màu da, ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần và chất lượng sống người bệnh. Do đó, người bệnh cần điều trị sớm để cải thiện chất lượng sống.
Để điều trị mề đay, trước hết cần tìm và loại bỏ tác nhân gây bệnh. Thuốc kháng histamine được sử dụng nhằm giảm các triệu chứng viêm và kết hợp nhiều loại thuốc khác với mề đay mạn tính.
Nếu kháng histamine không có tác dụng, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc steroid dạng uống/chích hoặc thuốc sinh học để kiểm soát phản ứng viêm trong bệnh mề đay.
Bác sĩ Bích khuyến cáo mỗi người nên thực hiện lối sống lành mạnh, mặc quần áo rộng rãi, ở nơi thông thoáng, sạch sẽ, sử dụng máy lọc không khí, tránh dùng xà phòng có độ tẩy rửa cao. Nếu xác định nguyên nhân nổi mề đay, người bệnh nên tránh tiếp xúc với yếu tố đó.
Nếu có cơ địa dị ứng, thường xuyên tái phát mề đay, người bệnh nên mang theo thuốc điều trị để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-97-cac-dau-hieu-canh-bao-mac-u-nao-schwannoma-d219577.html