Huyện Tân Sơn có 17 xã, 172 thôn bản, người DTTS chiếm 82,5% dân số toàn huyện; trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Dao, Mông, còn lại là các dân tộc khác. Các DTTS trên địa bàn huyện luôn đoàn kết, tích cực tham gia lao động sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,7%/năm, thu nhập bình quân của người dân Tân Sơn đã đạt 36,16 triệu đồng/năm. Đời sống đồng bào DTTS và miền núi của huyện ngày càng khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng để các DTTS có cơ hội tiếp tục phát triển ở trình độ cao hơn, rút ngắn khoảng cách về tiếp cận các điều kiện xã hội giữa vùng xuôi và vùng miền núi, vùng cao.
Nhiều gia đình DTTS nghèo được hỗ trợ sửa chữa, xây mới xóa nhà tạm; hàng nghìn ha rừng tự nhiên được bảo vệ. Nhiều sản phẩm đặc trưng của đồng bào như: Gà nhiều cựa, chè, gỗ, cây ăn quả có múi được sản xuất theo hướng hàng hóa… Cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt chú trọng quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học vùng cao, vùng đồng bào DTTS được đầu tư, nâng cấp. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; nhiều học sinh người DTTS vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu học tập đạt nhiều thành tích cao. 100% thôn, bản có nhân viên y tế.
Các lễ hội truyền thống được tổ chức đảm bảo tính nguyên mẫu, ý nghĩa đối với từng dân tộc như: Diễn xướng chàm đuống, hát Ví, hát Rang, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, lễ hội xuống đồng, Tết Doi, cơm mới của đồng bào Mường; múa chuông, sinh tiền, Lễ cấp sắc, Tết nhảy của đồng bào dân tộc Dao; múa khèn và thổi khèn, kèn lá của đồng bào Mông… Các lễ hội được tổ chức trang trọng, phù hợp với giá trị truyền thống văn hóa của địa phương; góp phần tăng cường khối Đậi đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã được nhân rộng khắp các thôn, bản với các mô hình tự quản, tự phòng… góp phần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn toàn huyện. an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh được chú trọng, đạt kết quả toàn diện. Toàn huyện có gần 3.400 đảng viên là người DTTS, chiếm 68,4% đảng viên trong toàn huyện…
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được đổi mới, nhờ đó người dân đã nắm bắt và hiểu được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trong 5 năm qua, toàn huyện đã bầu chọn 1.000 lượt Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những già làng, trưởng bản, Người có uy tín đã nêu cao vai trò gương mẫu trong cộng đồng dân tộc; xóa dần những tập tục lạc hậu, phát huy giá trị tốt đẹp trong đời sống, xây dựng nếp sống văn hóa mới khu dân cư…
Lãnh đạo huyện Tân Sơn cho biết: Huyện tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình dự án cho vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng đồng DTTS; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS; phát huy bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố vững chắc khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tại Đại hội đại biểu các DTTS huyện Tân Sơn (Phú Thọ) lần thứ IV năm 2024, một lần nữa khẳng định: Sau 5 năm thực hiện quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III và 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Sơn lần thứ IV, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quản lý Nhà nước về dân tộc và các chính sách dân tộc được tăng cường; việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng và nhiều chương trình, chính sách trọng tâm, trọng điểm khác triển khai có hiệu quả.
Công tác dân tộc và thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với phát triển KT-XH ở địa phương, tạo điều kiện để đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách về tiếp cận các điều kiện xã hội giữa vùng xuôi và vùng miền núi, vùng cao.
Ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực đóng góp của đồng bào DTTS đối với sự phát triển KT-XH của huyện Tân Sơn nói riêng, của tỉnh nói chung, đ/c Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vi Mạnh Hùng và lãnh đạo huyện Tân Sơn đã tăng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Đại hội.
Nhân dịp này, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019 – 2024 trên địa bàn đã được tặng Giấy khen của Ban dân tộc tỉnh và giấy khen của Chủ tịch UBND huyện.
Với tinh thần tập trung dân chủ và thống nhất cao, Đại hội đã biểu quyết thông qua danh sách Đại biểu dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Phú Thọ lần thứ IV năm 2024 gồm 27 đồng chí, thông qua Quyết tâm thư và Chương trình hành động của Đại hội.
Nguồn: https://baodantoc.vn/cac-dan-toc-huyen-tan-son-doan-ket-phat-huy-noi-luc-de-phat-trien-1718879017246.htm