15:08, 08/06/2023
BHG – Tiếp tục chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, sáng 8.6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang gồm các đại biểu: Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Vương Thị Hương đã chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về một số nội dung.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang dự phiên chất vấn |
Đại biểu Tráng A Dương nêu: Quản lý tốt, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn, qua đó giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra. Tuy nhiên, thời gian qua, tại một sổ địa phương đã xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe, gây bức xúc trong dư luận xã hội, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Vấn đề thứ 2, theo đại biểu, trong thời gian vừa qua, việc ùn tắc giao thông tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không có dấu hiệu giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính và đâu là những giải pháp mà Bộ sẽ cùng các địa phương thực hiện trong thời gian tới?
Đại biểu Tráng A Dương chất vấn |
Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thông tin: Liên quan đến vấn đề nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực trong việc cấp giấy phép lái xe, hiện nay, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc triển khai đề án 06, đó là ứng dụng công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ đầu tư công. Đối với việc cấp đổi là gần như đã được liên thông toàn bộ dữ liệu và đều có thể đăng ký cấp đổi qua mạng. Đối với vấn đề đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, qua thanh, kiểm tra trong thời gian qua, Bộ đã nhận diện vấn đề này. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện các thể chế, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tăng cường siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là phân định trách nhiệm của Bộ và Sở Giao thông vận tải các tỉnh trong vấn đề thanh, kiểm tra công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Hiện nay, toàn bộ hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đều đã được phân cấp xuống cho địa phương và Bộ chỉ thực hiện quản lý nhà nước. Nội dung này Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh và đặc biệt là chỉ đạo Sở Giao thông vận tải khắc phục triệt để cùng với việc điều chỉnh về thể chế.
Đại biểu Vương Thị Hương chất vấn |
Thứ hai, vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề rất lớn, có rất nhiều nguyên nhân và phải giải quyết trong lâu dài, không thể một sớm, một chiều. Bộ trưởng lưu ý, phải quản lý, kiểm soát rất chặt quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số; vấn đề phát triển phương tiện công cộng ở 2 thành phố này cũng là vấn đề rất cấp thiết. Việc này Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các thành phố đẩy mạnh việc phát triển giao thông công cộng, trong đó đường sắt đô thị là một vấn đề chúng ta phải tiếp tục quan tâm đẩy mạnh.
Chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, đại biểu Vương Thị Hương nêu: Thứ nhất, thực trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên nhất là ở các ngành, lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử đã và đang có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động, người dân. Đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng và các giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Thứ hai, thực trạng phân bổ, giao kế hoạch vốn cho một số nhiệm vụ, dự án đầu tư công và việc giải ngân vốn đầu tư công chậm diễn ra trong nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để, trong đó một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, trách nhiệm xử lý và giải pháp căn cơ trong thời gian tới để giải quyết vấn đề này.
Trả lời 2 nội dung trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng: Tình hình những tháng đầu năm đã xảy ra hiện tượng bị mất việc, giảm việc tại những thành phố lớn, khu công nghiệp như khu trọng điểm kinh tế phía Nam, phía Bắc và miền Trung. Số lao động bị ảnh hưởng trong báo cáo giải trình đề cập là khoảng 510.000 người, trong đó mất việc, thôi việc khoảng 279.000 người và số lao động giảm giờ làm là khoảng 195.000 người. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp xử lý trong điều kiện tốt nhất về chính sách bảo hiểm, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường kết nối cung cầu và tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận việc làm; nắm bắt kịp thời để ngăn chặn tình trạng lôi kéo, kích động bằng những thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng tới việc làm.
Đối với câu hỏi thứ 2 của đại biểu, Phó Thủ tướng trả lời: Theo các số liệu báo cáo, đến thời điểm hiện tại, nếu nói về giải ngân chậm thì so với 5 tháng đầu năm của các năm về trước thì thật sự cũng không phải là chậm, nó cũng xấp xỉ. Tuy nhiên, so với kỳ vọng và mong muốn chúng ta đưa vốn vào nền kinh tế, làm một động lực để tăng trưởng, để hoàn thành những công trình, những dự án đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH là phải thúc đẩy nhiều hơn. Về giải pháp, 5 tổ công tác của Thủ tướng đã có đôn đốc về vấn đề giải phóng mặt bằng, trình tự, thủ tục đầu tư, năng lực nhà đầu tư, thi công, công tác tuyên truyền cho người dân…
Duy Tuấn (Tổng hợp)