(CLO) Các cuộc ném bom đã xảy ra tại nhiều địa điểm trên khắp Syria khi các bên liên quan ở Trung Đông cố gắng bảo vệ lợi ích của họ sau khi phe nổi dậy lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Những cuộc tấn công từ nhiều phía
Trong khi quân nổi dậy ăn mừng và thả các tù nhân của chế độ cũ, bao gồm cả những người bị giam trong nhà tù khét tiếng Sednaya thì những quốc gia liên quan đến Syria đang nhanh chóng hành động để bảo vệ lợi ích của mình, cũng như nỗ lực định hình một Syria tương lai.
Mỹ đã tấn công các mục tiêu liên quan đến tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền trung Syria. Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) cho biết hôm Chủ Nhật rằng họ đã tấn công hơn 75 mục tiêu, bao gồm các thủ lĩnh, đặc vụ và trại lính của IS để đảm bảo rằng nhóm khủng bố này không lợi dụng sự kết thúc của chế độ Assad.
CENTCOM cho biết họ đang tiến hành đánh giá thiệt hại sau các cuộc không kích, có sự tham gia của các máy bay chiến đấu bao gồm B-52 và F-15, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy có thương vong về dân thường.
“Không còn nghi ngờ gì nữa – chúng tôi sẽ không cho phép IS tái lập và lợi dụng tình hình hiện tại ở Syria”, Tổng tư lệnh CENTCOM Michael Erik Kurilla tuyên bố. “Tất cả các tổ chức ở Syria nên biết rằng chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm nếu họ hợp tác hoặc hỗ trợ IS theo bất kỳ cách nào”.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tấn công lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn. Một nhóm giám sát chiến tranh và người phát ngôn của nhóm người Kurd cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nổ súng vào lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn ở miền bắc Syria vào cuối tuần qua.
Trong khi đó, Israel cũng xác nhận rằng họ đã điều động lực lượng vào vùng đệm bên ngoài Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng và vào các vị trí quân sự cũ của Syria trên Núi Hermon trong những gì họ mô tả là “biện pháp tạm thời”.
Tuy nhiên, các quốc gia Qatar, Ả Rập Xê Út và Iraq đã mạnh mẽ chỉ trích việc Israel tận dụng tình hình bất ổn ở Syria để “chiếm đất” gần Cao nguyên Golan này. Bộ Ngoại giao Qatar gọi hành động của Israel là “một bước phát triển nguy hiểm và tấn công trắng trợn vào chủ quyền và sự thống nhất của Syria”, đồng thời vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh rằng các hành động của Israel vi phạm thỏa thuận ngừng bắn giữa hai nước hồi năm 1974, đồng thời kêu gọi các bên liên quan rút quân khỏi khu vực để tránh leo thang xung đột.
Israel cũng cho biết họ sẽ tiếp tục các cuộc không kích vào các địa điểm của chế độ cũ tại Syria mà Israel cho rằng có liên quan đến tên lửa và vũ khí hóa học.
Phía trước là con đường đầy bất trắc
Các cuộc không kích phản ánh con đường nguy hiểm phía trước của Syria khi nước này chuyển đổi sau 5 thập kỷ dưới sự cai trị của gia đình Assad.
Với những lợi ích xung đột gay gắt, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã vạch ra những gì hai nước này cho là ranh giới đỏ của họ liên quan đến Syria. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không chấp nhận đảng PKK của người Kurd hay IS. Nước này cũng hứa sẽ giúp những người di cư Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ – nơi đang tiếp nhận khoảng 3 triệu người Syria tị nạn – hồi hương.
Hiện tại, hàng trăm người tị nạn Syria đã tập trung tại hai cửa khẩu biên giới ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Hai, háo hức mong chờ ngày trở về sau khi chính quyền Assad sụp đổ.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là đồng minh và cả hai nước đều ăn mừng việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad vào Chủ nhật, nhưng lợi ích của họ cũng khác nhau về việc hỗ trợ người Kurd ở miền bắc Syria.
Người Kurd là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại IS, một nhóm khủng bố Hồi giáo đã nổi lên mạnh mẽ vào đầu cuộc nội chiến ở Syria hơn một thập kỷ trước. Họ hiện kiểm soát phần lớn vùng đông bắc Syria dưới một chính quyền dân sự tự trị.
Còn Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd có vũ trang ở gần biên giới của mình là mối đe dọa. Trong nhiều thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến đấu với lực lượng ly khai người Kurd, những người tìm cách thành lập một quốc gia độc lập.
Khoảng 900 lính Mỹ được triển khai tới Syria để hỗ trợ lực lượng người Kurd. Lực lượng Mỹ đã tuần tra quanh thành phố Manbij cùng với Thổ Nhĩ Kỳ trong quá khứ, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ lính Mỹ nào ở nơi này trong cuộc pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ vào Manbij hay không.
Các cường quốc đều nỗ lực giảm thiểu thiệt hại
Iran, quốc gia ủng hộ chính quyền Assad trong cuộc nội chiến Syria nhằm bảo vệ hành lang đất liền với Hezbollah ở Lebanon, cũng cho biết họ đã nhanh chóng mở đường dây liên lạc trực tiếp với quân nổi dậy đã lật đổ ông Assad, nhằm mục đích “ngăn chặn quỹ đạo thù địch” giữa hai nước.
Vài giờ sau khi chính quyền Assad sụp đổ, Iran gửi đi thông điệp rằng họ mong đợi mối quan hệ với Damascus sẽ tiếp tục dựa trên “cách tiếp cận sáng suốt và có tầm nhìn xa” của hai nước và kêu gọi thành lập một chính phủ bao gồm đại diện cho mọi tầng lớp trong xã hội Syria.
Còn trong lời cảnh báo của riêng mình, hãng thông tấn Nga Interfax trích lời một nhà lập pháp cho biết Moscow sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ cuộc tấn công nào vào các căn cứ quân sự của nước này tại Syria.
Phát biểu tại Nhà Trắng hôm Chủ nhật, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi sự sụp đổ của chính quyền ông Assad ở Syria là “khoảnh khắc rủi ro” và “cơ hội lịch sử” đồng thời đưa ra kế hoạch chi tiết về cách Mỹ dự định hỗ trợ khu vực.
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc dự kiến họp vào cuối ngày thứ Hai để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria trong phiên họp kín, theo yêu cầu của Nga. Cuộc họp có thể chưa đưa ra được giải pháp nào toàn diện cho Syria, nhưng giới quan sát hy vọng, các cường quốc sẽ có chung một tiếng nói về việc hỗ trợ người dân nơi đây.
Nguyễn Khánh
Nguồn: https://www.congluan.vn/tai-sao-my-tan-cong-is-tho-nhi-ky-tran-ap-nguoi-kurd-va-israel-chiem-dat-o-syria-post324850.html