Và câu hỏi được đặt ra sau khi cuộc tranh luận kết thúc mà được đánh giá có phần nghiêng về bà Harris là: Liệu các cuộc tranh luận tổng thống có thực sự quan trọng và liệu chúng có thay đổi suy nghĩ và quyết định của cử tri về các ứng viên hay không?
Tranh luận tổng thống có làm thay đổi kết quả bầu cử?
Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy câu trả lời chủ yếu là không.
Phó giáo sư Vincent Pons của Trường Kinh doanh Harvard đã đánh giá các cuộc khảo sát trước và sau bầu cử ở 10 quốc gia, bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Đức và Canada, từ năm 1952 (năm diễn ra cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên trên truyền hình tại Mỹ) đến năm 2017.
Kết quả cho thấy các cuộc tranh luận trên truyền hình không ảnh hưởng đáng kể đến sự lựa chọn của cử tri. "Các cuộc tranh luận là nơi cử tri có thể tìm hiểu xem các ứng cử viên đại diện cho điều gì và họ thực sự giỏi như thế nào, nhưng các cuộc tranh luận không có tác động gì đến bất kỳ nhóm cử tri nào", Pons cho biết.
Một phân tích khác được công bố năm 2013 bởi Giáo sư truyền thông Mitchell McKinney và Benjamin Warner của Đại học Missouri đã xem xét các phản hồi khảo sát của sinh viên đại học từ các trường đại học trên khắp Mỹ từ năm 2000 đến năm 2012.
Trong đó, họ cũng nhận thấy rằng các cuộc tranh luận tổng thống có rất ít tác động đến sự lựa chọn của cử tri. 86,3% người được hỏi vẫn giữ nguyên lựa chọn của mình trước và sau khi xem cuộc tranh luận, 7% chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Chỉ 3,5% thay đổi lựa chọn sang ứng cử viên khác. Giáo sư Daron Shaw của Đại học Texas ở Austin cho biết, vào thời điểm các cuộc tranh luận diễn ra, hầu hết cử tri đã chọn một đảng nào đó.
Trong khi đó, trong 2 cuộc tranh luận giữa hai ông Trump và Biden hồi năm 2020, 87% cử tri được khảo sát cho biết cuộc tranh luận không ảnh hưởng đến phiếu bầu của họ, theo thăm dò của Đại học Monmouth.
Nền tảng phân tích bỏ phiếu FiveThirtyEight cho thấy vào ngày 28/9/2020 rằng ông Biden đạt 50,1% còn ông Trump đạt 43,2%. Đến ngày 30/9, sau cuộc tranh luận, ông Biden đạt 50,5 và ông Trump đạt 42,9.
Tương tự như vậy, số liệu thăm dò ý kiến của hai ứng cử viên hầu như không thay đổi trước và sau cuộc tranh luận thứ hai. Ông Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 với 51,3% số phiếu phổ thông toàn quốc và 306 phiếu của Đại cử tri đoàn.
Ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Rodham Clinton và ông Trump đã có ba cuộc tranh luận nảy lửa cách đây 8 năm.
Ngày 26/9/2016 là cuộc tranh luận đầu tiên. Hai ứng cử viên đấu khẩu về mọi thứ, từ sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ cho đến những bình luận chê bai của ông Trump về người chiến thắng cuộc thi sắc đẹp. Bà Clinton được cho là ở thế tấn công, trong khi ông Trump phòng thủ.
Hầu hết các bản tin ngày hôm sau đều cho rằng bà Clinton đã chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận. Nhưng theo cuộc thăm dò của FiveThirtyEight năm 2016, tỷ lệ ủng hộ cho cả hai không có nhiều thay đổi, thậm chí có phần nghiêng về ông Trump. Cụ thể, bà Clinton đạt 42,4% và ông Trump đạt 40,5% vào ngày 25/9. Đến ngày 27/9, bà Clinton đạt 42,5% so với 41% của ông Trump.
Cuộc tranh luận thứ hai diễn ra vào ngày 9/10, nhưng cả cuộc tranh luận đó và cuộc tranh luận thứ ba vào ngày 19/10 cũng đều không tác động nhiều đến số liệu thăm dò.
Vào ngày bầu cử, ngày 8/11, kết quả là bà Clinton giành được 48% số phiếu phổ thông so với 46% của ông Trump, nhưng ông Trump lại giành được nhiều số phiếu trong Đại cử tri đoàn hơn, qua đó chiến thắng theo hệ thống bầu cử tổng thống gián tiếp tại Mỹ.
Một lượng lớn nghiên cứu cho thấy lý do chính khiến các cuộc tranh luận tổng thống thường không ảnh hưởng quá nhiều đến cử tri là vì hầu hết cử tri theo dõi các buổi biểu diễn trên truyền hình này đều đã ủng hộ một ứng cử viên.
Nhưng vẫn có những ngoại lệ
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp các cuộc tranh luận làm tăng cơ hội cho một số ứng cử viên cụ thể, ví dụ như trường hợp của cựu Tổng thống Barack Obama.
Trong cuộc đua giành chức tổng thống năm 2008, ông Obama đã đạt được lợi thế đáng kể vài ngày sau cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra vào ngày 26/9/2008.
Từ ngày 9 đến ngày 14/9, hai ứng cử viên Obama thuộc Đảng Dân chủ và John McCain thuộc Đảng Cộng hòa có tỷ lệ ủng hộ ngang ngửa nhau trong các cuộc thăm dò. Ông Obama đạt 46%, so với 44% của ông McCain.
Nhưng sau cuộc tranh luận vào ngày 26/9, từ ngày 27 đến ngày 29/9, tỷ lệ ủng hộ ông Obama tăng vọt lên 49%, trong khi ông McCain giảm xuống còn 42%.
Ngoài ra, cuộc tranh luận giữa hai ông Biden và Trump hồi tháng 6 vừa rồi cũng là một ví dụ khác. Theo số liệu trung bình của cuộc thăm dò do FiveThirtyEight tổng hợp, trước cuộc tranh luận đó, Tổng thống Joe Biden chỉ xếp sau cựu Tổng thống Donald Trump với một khoảng cách nhỏ.
Tuy nhiên, ông Biden đã có màn trình diễn đáng quên trong cuộc tranh luận, khi không tập trung, lời nói không rõ ràng và đôi khi không mạch lạc. Bởi vậy, từ ngày 27/6 đến ngày 9/7, ông Trump đã nới rộng khoảng cách thêm 2%, đạt 42,1% sự ủng hộ so với 39,9% của ông Biden.
"Cuộc tranh luận đó đã có những tác động ngoạn mục, về cơ bản là tạo động lực để loại Biden ra khỏi cuộc đua. Đó là một sự kiện quan trọng và rất bất thường", Shaw nói.
Ngoài ra, các cuộc tranh luận còn có thể giúp những cử tri còn đang phân vân đưa ra lựa chọn. Đặc biệt đối với ứng cử viên tương đối ít được biết đến trước đó, như trường hợp của ông Barack Obama năm 2008 hoặc ông John F Kennedy năm 1960, các cuộc tranh luận lại có ý nghĩa quan trọng để giúp họ giành chiến thắng sau này.
Hoài Phương (theo Al Jazeera)
Nguồn: https://www.congluan.vn/bau-cu-my-2024-cac-cuoc-tranh-luan-co-lam-thay-doi-quyet-dinh-cua-cu-tri-khong-post312026.html
Bình luận (0)